Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại khu vực Đại nội của Kinh thành Huế sẽ diễn ra nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc tái hiện Tết cổ truyền Cung đình Huế.
Vào thời khắc Giao thừa đón mừng năm mới Canh Tý sẽ tổ chức bắn súng lửa Thần Công, chiếu sáng Kỳ Đài Ngọ Môn.
Trong ngày Mùng 1, 2, 3 Tết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa tự do, miễn phí vé tham quan các địa điểm di tích cho người dân và du khách đến du xuân.
Trong ba ngày đầu năm mới Canh Tý sẽ diễn ra lễ Đổi gác tại cửa Ngọ Môn, ở sân điện Thái Hòa diễn ra trình tấu Tiểu nhạc, múa lân sư rồng, biểu diễn võ thuật cổ truyền, trình diễn thư pháp, các trò chơi cung đình…
Ngày mùng 7 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ hạ cây Nêu, khai ấn tân niên, tặng chữ chúc Xuân tại Thế Miếu và điện Long An.
[Huế: Làng hương Thủy Xuân rộn ràng mùa Tết]
Những năm gần đây, du lịch di sản vẫn là thế mạnh riêng có, thu hút đông đảo du khách đến với Cố đô Huế.
Huế nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam như là vùng đất của di sản, nơi lưu giữ và bảo tồn gần như trọn vẹn những tinh hoa văn hóa, nghi lễ truyền thống của triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Bên cạnh, khu di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 1993.
Hiện nay, Huế có 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế.
Đồng thời, Huế còn đồng sở hữu hai Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới là Nghệ thuật bài chòi, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.
Nghệ thuật ca Huế đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2020, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón từ 5-5,2 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế chiếm từ 40-45%; khách lưu trú đạt khoảng 2,4 triệu lượt; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.
Trong cung đình, Tết Nguyên đán ở thời Nhà Nguyễn (1802-1945), ngày 20 tháng Chạp thường tổ chức lễ Phát thức (lễ rửa ấn).
Các quan mặc áo xanh, ra chầu ở điện Cần Chính. Vua đến, mọi tủ chứa ấn đều được mở. ấn được rửa bằng nước thơm rồi niêm phong cẩn thận, không dùng trong dịp Tết.
Ngày 22 tháng Chạp, làm lễ Hạp hương (lễ mời các tiên đế về ăn Tết) ở điện Thái Miếu.
Ngày 30 tháng Chạp, làm lễ Thượng tiên (lễ dựng cây nêu). Vua ra điện Thái Hòa dựng nêu xong, dân chúng mới được dựng ở nhà mình. Cũng ngày hôm ấy, tổ chức thiết triều cuối năm.
Tại điện Thái Hòa, đặt một hoàng án để tờ biểu của quan lại trung ương, một hoàng án để tờ biểu của quan lại địa phương chúc mừng Nhà Vua. Giữa điện trải chiếu bái cho các hoàng tử, hoàng thân, hai bên là chỗ bái của các quan văn võ từ tam phẩm trở lên.
Các quan từ tứ phẩm trở xuống đứng dưới sân rồng. Hai phía Đông-Tây có tám hàng lính cấm vệ dàn hầu và đội nhạc cung đình tấu nhạc.
Sáng mồng 1 Tết, đầu canh năm, trống nghiêm hồi thứ nhất, viên Quản vệ dàn bày cờ quạt, nghi trượng... Trống nghiêm hồi thứ hai, các quan mặc lễ phục vào chực sẵn trên sân điện Thái Hòa.
Mờ sáng, trống nghiêm hồi thứ ba, trên kỳ đài kéo cờ đại và các sắc cờ khánh hỷ. Quan Khâm thiên giám báo giờ. Vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, cầm hốt trấn khuê ngự ra điện Cần Chính rồi được mời lên kiệu, long trọng rước sang điện Thái Hòa.
Nhạc tấu, 9 phát súng lệnh nổ, viên thái giám đốt hương trầm, quan nội các tiến lên hoàng án lấy biểu chúc mừng trao cho quan tuyên đọc. Đọc xong, các quan lạy tạ.
Quan phụng chỉ đọc lời đáp của Vua. Nhạc tấu khúc Hòa bình, Vua lên kiệu về điện Cần Chính. Tại đây, các hoàng thân, hoàng tử và quan văn võ từ tứ phẩm trở lên chia ban đứng hầu.
Thái giám dẫn các hoàng đệ, hoàng tử nhỏ tuổi đến lạy mừng, lạy 5 lạy. Vua ban yến và thưởng tiền xuân cho mọi người...
Mồng 1 và mồng 2 Tết, nhà vua tiếp tục ban yến cho hoàng tộc và quan tướng. Mồng 4 Tết, cử hành lễ Triều minh: Vua đi tế lễ các đền miếu quốc gia.
Cũng trong dịp đầu năm, tổ chức lễ Tịch điền: Vua đích thân cầy ruộng để làm gương cho dân chúng.
Từ năm 1829 trở đi, còn cử hành thêm lễ Nghênh xuân, lễ Tiến xuân, lễ Xuất binh,... rất tưng bừng. Từ đời Đồng Khánh về sau, các vua Nguyễn thường tổ chức du xuân để thưởng thức cảnh năm mới và xem dân chúng vui Tết./.