Từ 2-4/10, chỉ số tia cực tím có nguy cơ gây hại rất cao ở một số nơi

Người dân ra đường cần lưu ý đến một số biện pháp bảo vệ cơ thể chống lại tác động của tia UV như thoa kem chống nắng, mặc áo dài tay, đeo kính râm.
Từ 2-4/10, chỉ số tia cực tím có nguy cơ gây hại rất cao ở một số nơi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 2-4/10, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại trên khu vực Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có xu hướng tăng dần từ nguy cơ gây hại trung bình đến nguy cơ gây hại cao, tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng chỉ số UV cực đại có dao động nhẹ và vẫn ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Thành phố Hồ Chí Minh chỉ số UV cực đại đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, đặc biệt tại Nha Trang chỉ số UV đạt giá trị 10.

Tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), thành phố Cần Thơ chỉ số UV chỉ ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao, riêng ngày 4/10, tại Cần Thơ chỉ sô ́UV tăng lên đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.

[Cô gái đội "mũ phi hành gia" trong suốt 20 năm vì dị ứng với tia UV]

Ngày 1/10, chỉ số UV cực đại tại các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao, trong khi đó ở Hạ Long chỉ số UV chỉ đạt ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình.

Tại các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cần Thơ, Cà Mau, chỉ số UV đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao và xảy ra vào thời điểm từ 11 giờ-13 giờ (chỉ số tia UV từ 3 đến 5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ  6-8 nguy cơ gây hại cao, trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao).

Tia UV gây ra nhiều tác hại và ảnh hưởng xấu đến cơ thể và sức khỏe con người.

Người dân ra đường cần lưu ý đến một số biện pháp bảo vệ cơ thể chống lại tác động của tia UV như thoa kem chống nắng, mặc áo dài tay, đeo kính râm.

Một số chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần biết rằng tia UV với liều lượng vừa phải khi chiếu vào da giúp tăng cường chuyển hóa tổng hợp vitamin D, cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, là bộ đôi dưỡng chất tốt cho xương, rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, ánh nắng sớm còn có tác dụng kích thích quá trình hoạt động của cơ thể.

Tuy có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng tia cực tím cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là trên da và mắt.

Tia tử ngoại gây ảnh hưởng xấu đến mắt khi không đeo kính bảo hộ chống lại ánh nắng Mặt Trời.

Các tế bào mắt có thể bị phá hủy do tác động của tia UV, nhất là khi luồng tia phản chiếu dội lên từ mặt tường xi măng, cát hay nước.

Sau khi bị tia cực tím chiếu vào trong khoảng thời gian nhất định, từ 6-15 giờ sau bệnh nhân sẽ một số rối loạn thị giác như giảm thị lực tạm thời, nhìn thấy có quầng bao quanh các nguồn sáng, cảm thấy như có dị vật trên mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhất là ánh nắng Mặt Trời.

Thông thường, nếu bệnh nhân tiến triển tốt và không có dấu hiệu bất thường khác, những triệu chứng liên quan đến thị giác sẽ tự khỏi sau khoảng 8 giờ.

Nếu cơ thể tiếp xúc với tia cực tím nhiều lần trong thời gian dài, nguy cơ dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn về mắt, như suy hoại võng mạc, bệnh cườm mắt, thậm chí mù lòa.

Ngoài ra, tia UV còn gây ra nhiều tác hại khác đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như lão hóa da, ung thư da, sinh ra khối u ác tính, ung thư mô tế bào, đẩy nhanh tiến trình lão hóa và ức chế miễn dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục