Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, dịch COVID-19 được cho là bắt nguồn bởi một loài vật chủ từ động vật hoang dã, nghi ngờ là dơi-loài vật ẩn mình, sống về đêm và là một nguồn tiềm năng của virus corona. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng dơi không nên bị đổ lỗi cho việc lây truyền căn bệnh đang thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người, mà ngược lại, thủ phạm chính là thói quen ăn hoang thú của con người.
Mầm dịch virus bắt nguồn từ đâu?
Sau hơn 3 tháng xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dù các nhà khoa học vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh chắc chắn về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, nhưng có một thực tế đáng lo ngại là sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh tương tự do chủng virus Corona gây ra như SARS, MERS trong thời gian qua đều có liên quan đến động vật hoang dã như dơi, cầy hương, lạc đà, tê tê...
Vì thế, thông tin nghi ngờ dịch COVID-19 bắt nguồn từ một loài động vật hoang dã đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả Việt Nam cũng như thế giới, nhất là trước thực trạng buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia đang diễn biến phức tạp.
Điều đáng quan lâm là, tại sao những mầm bệnh gây ra đại dịch này được cho là bắt nguồn từ các loài động vật hoang dã vốn sống “biệt lập” với con người, như loài dơi, lại có thể truyền nhiễm sang người và rồi lan truyền, lây lan khắp trái đất như vậy?
Theo các nhà động vật học và chuyên gia về bệnh tật trên thế giới, những thay đổi trong hành vi của con người bao gồm việc hủy hoại môi trường sống tự nhiên cùng với việc ăn thịt các loài hoang dã đã cho phép những căn bệnh từng bị nhốt chặt trong tự nhiên nhanh chóng xâm nhiễm vào con người, từ đó lan truyền từ người sang người.
Xuất phát từ những nghi ngờ đáng lo ngại trên, ngày 24/2/2020 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết cấm buôn bán và sử dụng động vật hoang dã trên cạn và gửi thông báo đến 183 các quốc gia thành viên của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Điều này cho thấy việc ngăn dịch bệnh từ động vật hoang dã là điều cấp thiết.
Còn ở Việt Nam thì sao? Theo đại diện lãnh đạo Cục Kiểm lâm, mặc dù Chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắn, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật, nhưng trên thực tế, tình trạng sắn bắt, buôn bán, sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn xảy ra.
[Khẩn trương soạn thảo Chỉ thị cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã]
Theo thống kê, từ tháng 1/2018 đến ngày 31/5/2019, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 560 vụ vi phạm về động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; xử lý hình sự 41 vụ với 38 bị can, đã xét xử 27 vụ với 27 bị cáo với mức án cao nhất là 7 năm 6 tháng tù giam...
Mới đây nhất, trên cơ sở thông tin điều tra do phóng viên VietnamPlus cung cấp, từ ngày 12-15/3/2020, Cục Kiểm lâm đã tiến hành trinh sát, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Long An và các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Kết quả đã phát hiện một số cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, IIB như rái cá, khỉ, kỳ đà, gày đẫy, rùa… và 30kg rắn các loại không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp với số lượng khoảng hơn 400 cá thể. Ngoài ra, các gian hàng tại đây còn trưng bán hàng nghìn cá thể chim, rùa các loại được bẫy bắt từ tự nhiên.
Dù vậy, kết quả này cũng mới chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” về hoạt động buôn bán, sát hại, ăn thịt các loài hoang dã đang diễn ra trên cả nước, đặc biệt là vùng “đặc khu” bán lậu chim, thú lớn nhất cả nước tại tỉnh Long An.
Điều đáng lo là, “các hoạt động này nếu không được tăng cường kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người, đe dọa sức khỏe công đồng và tổn thất nặng nề đến nền kinh tế,” Cục Kiểm lâm nhấn mạnh.
Cần áp chế tài mạnh
Trước thực trạng nêu trên, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn, quản lý và kiểm soát chặt chẽ nạn buôn bán, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.
Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến với Tổng cục Lâm nghiệp, góp ý về dự thảo Chỉ thị nêu trên, diễn ra sáng nay (27/3), hầu hết các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành và tổ chức bảo tồn thiên nhiên đều khẳng định việc xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về việc cấm buôn bán động vật hoang dã là việc làm đúng đắn trước vấn đề cấp thiết của xã hội.
Quyết định này càng quan trọng khi tình trạng mua bán và vận chuyển động vật hoang dã vẫn đang diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng, gây tác động xấu đến kinh tế, thậm chí còn tiềm ẩn rủi ro truyền nhiễm các bệnh sang con người.
Trong khi việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do thời gian điều tra các vụ án thường kéo dài; việc tịch thu tang vật, xử lý vi phạm gặp vướng mắc khi không có căn cứ để xác định giá trị...
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc và bất cập trên, các nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan quản lý CITES Việt Nam thắt chặt trong việc cấp giấy phép, rà soát và báo cáo về các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, ban hành công cụ giám định động vật hoang dã chính thống.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Kiểm lâm, chủ rừng tuần tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tăng chế tài xử phạt, quy định hướng dẫn chi tiết trong khâu quản lý động vật hoang dã.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò tham gia soạn thảo có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá tác động của hành vi mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã lên môi trường và đa dạng sinh học; thẩm định, phê duyệt các đề án nhằm bảo vệ động vật hoang dã; tổ chức cập nhật và biên soạn Sách đỏ Việt Nam.
Bộ Y tế tham gia đóng góp ý kiến cho Chỉ thị này nhằm đảm bảo các nội dung liên quan đến sức khỏe và y tế cho người dân; rà soát các cơ sở y tế sản xuất, sử dụng chế phẩm đến từ động vật hoang dã và báo cáo, kết hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm; tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở y học cổ truyền về việc bào chế một số sản phẩm đến từ động vật hoang dã là trái pháp luật.
Bộ Công an tiến hành công tác thanh-kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự các vụ án, vụ việc liên quan đến các tội phạm mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã; cơ quan chuyên môn Bộ Công an phối hợp với Cục Kiểm lâm tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ điều tra hình sự, kỹ năng trinh sát, điều tra, thiết lập hồ sơ ban đầu cho lực lượng kiểm lâm để đáp ứng yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, cũng như hoạt động bảo vệ động vật rừng.
Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn các quảng cáo thương mại trá hình về các sản phẩm đến từ động vật hoang dã; chỉ đạo các cơ quan ngôn luận lên chương trình tuyên truyền khuyến khích bảo vệ động vật hoang dã, và lên án những hành vi vi phạm.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao xử lý nghiêm các tội phạm về động vật hoang dã; tăng cường điều tra, giám định tang vật là động vật hoang dã, truy tố và xét xử hành vi vi phạm.
Ủy ban Nhân dân các cấp xác định hành vi mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã bị nghiêm cấm; chỉ đạo công tác quản lý, giám định động vật hoang dã, xử lý hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã; xác định các tụ điểm kinh doanh động vật hoang dã ở địa phương và áp dụng chế tài xử phạt hành chính và hình sự./.
Một số quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã: - Luật Lâm nghiệp 2017, tại Điều 9 quy định cấm: “Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.” - Luật Đa dạng sinh học 2008, tại Điều 7 quy định: “Cấm săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; cấm săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;...” - Luật Đầu tư 2014, tại phụ lục 3 quy định ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; trong đó quy định Danh mục các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích đầu tư kinh doanh. - Chỉ thị số 03/CT-TTg năm 2014, Chỉ thị 28/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật đã đề ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ nhằm đấu tranh với tội phạm vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã. - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định tội vi phạm các quy định về bảo về động vật hoang dã và vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm sẽ bị phạt lên đến 15 năm tù; hình phạt tiền đến 2 tỷ đồng đối với cá nhân và đến 15 tỷ đồng đối với pháp nhân… |
Mời độc giả theo dõi các bài liên quan:
Bài 1: Đường đi của những đàn chim từ rừng xanh, trời cao... lên đĩa
Bài 2: Hé lộ “khối băng chìm” ẩn sau vùng “đặc khu” bán lậu chim trời
Bài 3: Vùng "đặc khu chim trời""-Đã đến lúc cần phải xóa bỏ tận gốc
Bài 4: "Số phận của đặc khu chim trời" sau cuộc "truy quét bí mật"
Bài 5: Nghị quyết cấm buôn bán động vật hoang dã, chớ để quá muộn
Video: Hành trình giải cứu động vật hoang dã phòng chống COVID-19
Đề nghị Long An xử lý nghiêm nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép
Long An lập ban chỉ đạo quyết xử lý “đặc khu” bán lậu chim trời
VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!