Tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh: Gian nan khâu hậu kiểm

Cho phép các trường tự quyết chỉ tiêu tuyển, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ "siết" bằng hậu kiểm. Không ít nhà giáo dục nghi ngờ: hậu kiểm bằng cách nào?

Như Vietnam+ đã đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định “buông” kiểm duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, trao quyền tự chủ hoàn toàn về vấn đề này cho các trường.


Theo ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính thì thay vì tiền kiểm, Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm. Nhưng không ít các nhà giáo dục lại tỏ ý nghi ngờ và đặt câu hỏi: Bộ sẽ hậu kiểm bằng cách nào? Lấy người đâu để hậu kiểm?

Ai giỏi “lách” hơn sẽ có lợi?

Khẳng định việc tăng quyền tự chủ cho các trường là một nỗ lực đáng ghi nhận và là chủ trương đúng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Phương Đông cho rằng, điều quan trọng là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để phát hiện các trường hợp vi phạm.

Đây cũng là quan điểm của Tiến sĩ Trần Hành, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Lạc Hồng. Tuy nhiên, theo ông Hành, việc hậu kiểm như mong muốn của Bộ là không đơn giản. “Hiện cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Tôi không hiểu Bộ sẽ hậu kiểm như thế nào? Bộ có bao nhiêu người để nói là có thể hậu kiểm?,” ông Hành nói.

Cũng theo ông Hành, trên thực tế, các năm trước đây, Bộ cũng không hề đi kiểm tra các trường mà chỉ duyệt trên cơ sở hồ sơ do trường báo cáo lên. Một trong các tiêu chí để xác định chỉ tiêu là số lượng giảng viên nhưng nếu không tin vào báo cáo, trường cũng rất khó để nắm được trường có bao nhiêu người dạy.

Cùng lo lắng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Công Đoàn cho rằng, Bộ không thể đi đếm số giáo viên và phải dựa trên báo cáo của trường. Vì thế, để đảm bảo các trường không phạm luật, Bộ phải có cách hậu kiểm hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng ai “lách” giỏi hơn sẽ thuận lợi hơn.

Chỉ là hình thức


Nhìn ở góc độ khác, Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho rằng “việc Bộ có duyệt hay không duyệt và tăng cường hậu kiểm chỉ là vấn đề hình thức và câu chữ”.

Theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo này, tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh không giải quyết được vấn đề gì. “Mọi năm, các trường vẫn tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên các tiêu trí về số giảng viên và diện tích sàn để trình Bộ và Bộ hầu như duyệt số chỉ tiêu trường xác định. Điều quan trọng là làm thế nào để các trường có thể tuyển sinh viên”.

Đây có lẽ là mối lo chung của các trường đại học ngoài công lập. Hiệu trưởng Lê Công Huỳnh của Đại học Thành Tây buồn bã nói: “Vần đề là có nguồn để tuyển hay không. Cái đó quan trọng hơn. Nếu không có nguồn để tuyển thì việc được giao bao nhiêu chỉ tiêu cũng không ý nghĩa gì.”

Trên thực tế, mùa tuyển sinh năm 2011, hàng loạt trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã điêu đứng vì không tuyển nổi sinh viên. Rất nhiều trường tuyển chưa được 50% chỉ tiêu.

Theo ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Phương Đông, với trường tư, việc tuyển sinh ngày nay đã không còn dễ dàng do số lượng trường nhiều hơn, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Với chỉ tiêu mà Bộ duyệt hàng năm, các trường cũng không tuyển hết nên không lo việc trường nâng chỉ tiêu sau khi Bộ cho tự chủ.

“Trước đây, việc đăng ký 1.000 em nhưng chỉ tuyển được 100 em còn có thể đổ cho trách nhiệm của Bộ giao, nhưng nay là trường tự quyết thì nếu tuyển được quá ít sinh viên so với chỉ tiêu, uy tín của trường sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, trường sẽ phải cân nhắc, tính toán hơn,” ông Dụ phân tích.

Ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, với việc tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh, trách nhiệm của các trường sẽ nặng nề hơn.

Đây được Bộ coi là một bước trong lộ trình đổi mới quản lý theo hướng trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh thay đổi này, Bộ đang dự kiến sẽ có những điều chỉnh khác xung quanh kỳ thi năm tới, với nhiều điểm mới so với năm 2011./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục