Ngày 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục đại học-Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế."
Giáo dục đại học cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, đổi mới. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục Đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng. Nhờ đó, mạng lưới các trường đại học phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và cấp bậc, ngành nghề đào tạo; quy mô đào tạo tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện.
Giáo dục đại học đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ đại học, hàng vạn cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Đây là lực lượng quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học-công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sức hội nhập, cạnh tranh.
Trong phát biểu đề dẫn, phó giáo sư, tiến sỹ Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ, giáo dục Đại học là khâu then chốt quyết định chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
Với sứ mệnh là nơi sáng tạo ra tri thức mới, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục Đại học giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự phát triển nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước.
Chủ đề của hội thảo là “Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” được xem là nội dung nền tảng, những yêu cầu cơ bản đối với sự phát triển giáo dục đại học của đất nước; đồng thời là những vấn đề lớn, có tính thời sự, thu hút sự chú ý của xã hội và được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.
Từ vị thế, góc nhìn của mỗi đại biểu, với tâm huyết chung vì một nền giáo dục đào tạo “khỏe mạnh”, tạo nền tảng cho sự phát triển đất nước, Ban Tổ chức mong muốn các đại biểu sẽ tập trung trao đổi về chủ đề Hội thảo, hướng tới sự đồng thuận trong tầm nhìn, trong nhận thức về những vấn đề then chốt của hệ thống giáo dục đại học để xác định quan điểm đúng đắn, lựa chọn phương thức triển khai phù hợp; từ đó chia sẻ, tạo sự lan tỏa trong hệ thống và toàn xã hội.
Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình
Đề cập đến khuynh hướng phát triển giáo dục đại học và vai trò của tài chính Đại học, ông Dilip Parajuli, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam mới chỉ có 2 trường đại học nằm trong top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Để phát triển giáo dục đại học theo kịp xu thế thế giới, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để mở rộng lĩnh vực này.
Ngoài ra, theo ông Dilip Parajuli, giáo dục đại học Việt Nam cần tăng tính minh bạch, giải trình của các trường. Việt Nam đang đi đúng hướng về tự chủ Đại học, tuy nhiên cần bảo đảm rõ ràng hơn về pháp lý, về khái niệm tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự. Chính phủ cần có những hỗ trợ, đầu tư cho các trường Đại học trọng điểm để họ tự chủ tốt hơn, vươn lên thứ hạng tốt hơn trên toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các cơ quan đã tổ chức Hội thảo rất ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Hội thảo “Giáo dục đại học-Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”; chỉ rõ giáo dục, trong đó có giáo dục đại học nói riêng không thể đứng ngoài thế giới và bắt buộc phải hội nhập quốc tế với lộ trình hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nêu rõ trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình là quan trọng nhất.
Điểm lại quá trình tự chủ Đại học từ khi có chủ trương, triển khai thí điểm đến thời điểm hiện tại có 23 cơ sở giáo dục Đại học công lập thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, Phó Thủ tướng chỉ rõ, đó mới chỉ là tự chủ một phần chứ chưa phải là tự chủ theo đúng nghĩa quốc tế.
Ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các tỉnh) không muốn “buông” cơ chế chủ quản; bản thân các trường đại học cũng muốn tiếp tục cơ chế bao cấp và lý do từ chính người học.
Phó Thủ tướng cho rằng khi thực hiện tự chủ phải giải đáp hai băn khoăn lớn từ xã hội. Đó là các trường khi được tự chủ sẽ tăng học phí, làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục đại học trình độ cao, chất lượng tốt của con nhà nghèo và đối tượng chính sách. Ngoài ra, nếu các cơ quan chủ quản buông bớt “quyền” của mình, liệu tài sản đất đai, nguồn lực... có bị thao túng, lãng phí, Phó Thủ tướng đặt vấn đề
"Hai vấn đề này không phải không có hướng giải quyết và thực ra thế giới đã giải quyết rồi,” Phó Thủ tướng cho biết.
[Hai luồng ý kiến trái chiều về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi]
Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các trường phải có cơ chế học bổng khi tăng học phí, lập quỹ học bổng để giúp học sinh là đối tượng chính sách và con nhà nghèo.
Ngoài ra, tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không cấp ngân sách nữa mà dùng nguồn ngân sách đó để đặt hàng đào tạo một số ngành nghề đặc thù như pháp y, văn học nghệ thuật truyền thống, phê bình lý luận văn học… hoặc cho đối tượng chính sách, con em dân tộc ít người, con nhà nghèo.
Cơ chế đảm bảo tài sản có Hội đồng trường và gắn liền với trách nhiệm giải trình. Một trong những sứ mệnh của trường Đại học là sáng tạo ra tri thức, vì thế các trường phải có quyền tự chủ về chuyên môn. Đó là quyền tự chủ căn bản nhất. Để đảm bảo quyền tự chủ đó, các trường phải được tự quản về mặt hoạt động, tổ chức và được tự chủ về tài chính (tự chủ về nguồn thu, nguồn chi)./.