Thí sinh phải cao 1,5m trở lên mới được tuyển sinh sư phạm, dùng tổ hợp môn xã hội để tuyển sinh cho khối ngành kỹ thuật, kinh tế, hay dùng tổ hợp môn tự nhiên để tuyển sinh ngành văn học… Đó là quy định tuyển sinh lạ lùng, thiếu hợp lý, đã được một số trường đại học đưa ra kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh.
Quy định lạ lùng
Quy định thí sinh phải cao từ 1,5m trở lên mới được tham gia xét tuyển của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này là không hợp lý.
Ông Nguyễn Xuân Quý, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, cho rằng, trí tuệ và đạo đức của người giáo viên không phụ thuộc vào chiều cao. Điều cần nhất đối với giáo viên là đạo đức, văn hóa, trí tuệ, để dạy các em học sinh, không phải cứ có chiều cao cơ thể mới được làm thầy cô giáo.
Cũng theo ông Quý, trường ông có giáo viên chưa cao đến 1,5m nhưng vẫn luôn được học sinh tin yêu, được đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực sư phạm.
Đây cũng là quan điểm của tiến sỹ Nguyễn Quốc Vương, Đại học Sư phạm Hà Nội. “Tôi không nghĩ cao to, chân dài mới có thể trở thành giáo viên tốt mà ý chí nghị lực, yếu tố về mặt con người của người thầy, người cô rất quan trọng đối với học sinh. Có những người khuyết tật về thân thể hoặc sinh ra nhỏ bé nhưng họ trở thành người giáo viên có tri thức và khơi gợi cảm hứng tác động với học sinh rất lớn chứ không phải cứ cao bao nhiêu,” ông Vương chia sẻ.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khoa học, ông Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng người thấp hơn 1,5m thì có chất lượng dạy học kém hiệu quả hơn nên việc trường đưa ra quy định này là không hợp lý.
Trước những ý kiến phản đối, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã phải rút quy định trên.
Tuy nhiên, đây không phải là trường đại học đầu tiên đưa ra những quy định tuyển sinh lạ lùng. Năm 2018, nhiều trường đại học cũng đã đưa ra những tổ hợp xét tuyển rất bất hợp lý, gây lo lắng hoang mang trong dư luận xã hội. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai dùng tổ hợp điểm các môn xã hội văn-sử-địa, văn-sử-giáo dục công dân xét tuyển các ngành công nghệ như Kỹ thuật ô tô, Điện-điện tử, Chế tạo máy, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin. Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thái Bình Dương... sử dụng tổ hợp văn-sử-địa và văn-sử-giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành khối kinh tế như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng. Trường Đại học Đông Đô dùng tổ hợp văn-sử-địa để tuyển sinh các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Điều dưỡng. Trường Đại học Bình Dương tuyển sinh ngành Văn học bằng tổ hợp toán-lý-hóa.
Sự lo lắng, bức xúc của dư luận và góp ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khiến lãnh đạo một số trường đại học đã có sự điều chỉnh tổ hợp môn thi phù hợp hơn, nhưng vẫn có trường tiếp tục duy trì vì việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường.
Cần giải pháp mạnh
Việc các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo “mở cửa” từ năm 2015, khi thi đại học theo hình thức ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi) chính thức chấm dứt sau 13 năm triển khai. Từ 2015, Bộ tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, lấy điểm xét vào đại học, và các trường được tự quyết việc tuyển sinh, từ phương thức tuyển đến tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu, điều kiện tuyển sinh. Điều này đã dẫn đến việc nhiều trường có những quy định tuyển sinh lạ lùng, không phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), về pháp lý, trong điều kiện tự chủ, các trường có quyền đặt ra các quy định tuyển sinh riêng, miễn là không vi phạm điều pháp luật cấm. Thí sinh phải đáp ứng điều kiện của nhà trường. Đi liền với quyền đó là trường phải có trách nhiệm giải trình.
[Những điểm mới dự kiến áp dụng trong kỳ tuyển sinh đại học 2019]
“Trong điều kiện tự chủ thì sẽ có những quy định riêng và mỗi trường sẽ có những chính sách theo đuổi chất lượng khác nhau. Thậm chí, cùng là hướng tối việc nâng cao chất lượng nhưng chính sách có điểm riêng vừa là sự đa dạng hóa là sự cạnh tranh nhau, làm thế nào để khuyến khích mặt tốt nhưng đừng để hạt sạn. Có thể khi ban hành, trường chưa nhìn mọi góc độ, nhưng những người quản lý và người bị ảnh hưởng bởi chính sách có những góp ý để không còn sạn hoặc có sự hoàn thiện hơn ở nhiều khí cạnh,” bà Phụng nói.
Cũng theo bà Phụng, dù việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, nhưng với những trường đưa ra quy định bất hợp lý, là cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đạo cũng sẽ có những trao đổi, góp ý để các trường điều chỉnh.
Trên thực tế, trong mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ đã có tiếng nói tích cực tác động để các trường có những điều chỉnh phù hợp hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến góp ý và vì thế có những trường vẫn tiếp tục thực hiện những quy định xét tuyển được đánh giá là không phù hợp. Điều đó cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, sắp tới, cùng với việc sửa đổi quy chế tuyển sinh và hướng dẫn các trường làm đề án, Bộ sẽ phải nâng cao nghiệp vụ quản lý của mình để phù hợp với tự chủ và dự kiến sẽ có hướng dẫn kỹ hơn để đảm bảo các trường thực hiện đúng luật, nâng cao chất lượng và có cơ sở thuyết phục để xã hội đồng thuận.
"Tất cả những nội dung này chúng tôi sẽ quán triệt hơn ở góc độ quản lý. Chúng tôi cũng mong dư luận và người chịu tác động quan tâm hơn để giúp ngành giáo dục có hiệu quả hơn trong thực tiễn,” bà Phụng cho biết./.