Từ ổ dịch Thanh Xuân Trung: Hạn chế trong nhận thức về chống dịch

Dù đang thực hiện Chỉ thị 17 nhưng tại Thanh Xuân Trung có hiện tượng chặt ngoài lỏng trong, bên ngoài nhiều ngõ phố chăng dây đặt chốt nhưng bên trong người dân vẫn tự do đi lại giữa các gia đình.
Lực lượng dân quân tự vệ quận Thanh Xuân được tăng cường để thực hiện nhiệm vụ trong khu vực phong tỏa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ổ dịch ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (Hà Nội), bùng phát với hàng trăm ca bệnh khiến nhiều người lo lắng về tình trạng dịch bệnh COVID-19 xảy ra tại Hà Nội.

Đáng lo ngại là ổ dịch này xảy ra trong thời điểm toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố với tinh thần "ai ở đâu ở đó."

Vậy nguồn lây nhiễm từ đâu và đã có tuyến phòng thủ nào bị "chọc thủng" khiến dịch bệnh lây lan nhanh tại đây. Và làm thế nào để bịt "lỗ hổng," không để xảy ra ổ dịch thứ hai như Thanh Xuân Trung đang là vấn đề đặt ra với Hà Nội lúc này.

Còn lơ là phòng, chống dịch, giãn cách xã hội nửa vời

Theo Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân, tại ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi, trong 3 ngày 24 đến 26/8 đã phát hiện 104 ca dương tính và chưa rõ nguồn lây. Còn chỉ tính trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4 đến nay trên địa bàn quận ghi nhận 193 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tại 10/11 phường.

Sau khi ổ dịch ở Thanh Xuân Trung trở thành điểm nóng của thành phố, Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của một số cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn còn hạn chế.

Đáng nói, nhiều người dân chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thiếu sự hợp tác với chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố nhưng tại Thanh Xuân Trung còn có hiện tượng chặt ngoài lỏng trong.

Nghĩa là, bên ngoài nhiều ngõ phố chăng dây đặt chốt chặn nhưng bên trong người dân vẫn tự do đi lại giữa các gia đình. Còn theo một thông tin khác từ Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân, bước đầu điều tra nguồn lây bệnh cho ngõ 328 và 330 có thể từ người giao hàng (shipper) và cả những người bán hàng thiết yếu mang đến.

[Hà Nội không có thêm ca mắc COVID-19, ổ dịch Thanh Xuân phức tạp]

Để khóa chặt ổ dịch này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã quyết định phong tỏa cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ 14 giờ 00 ngày 23/8 đến 14 giờ 00 ngày 30/8 (7 ngày).

Ngay sau đó, nhiều lớp hàng rào, chốt trực đã được dựng lên tại đây. Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân đồng thời tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ cư dân ở khu vực cách ly, phong tỏa y tế để tiếp tục bóc F0 ra khỏi cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân cho rằng từ ổ dịch Thanh Xuân Trung, địa phương đã rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều bài học trong công tác phòng chống dịch.

Trong đó xác định, chống dịch bệnh COVID- 19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài và được nâng lên ở cấp độ cao hơn. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Do vậy, để sốc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc," ngày 27/8, Quận ủy đã ban hành Nghị quyết 08 về lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn với mục tiêu: bảo vệ tính mạng của nhân dân là trên hết, không để xảy ra ổ dịch thứ hai trên địa bàn quận.

Về giải pháp cụ thể xử lý ổ dịch trên, ông Nguyễn Việt Hà thông tin, hiện tại quận đã cho xét nghiệm lần 2 đối với những người dân trong ngõ 328 và 330 cùng khu vực xung quanh.

An ninh tại khu vực đã được thắt chặt hơn với 3 vòng cộng với camera giám nhằm kiểm soát mọi hoạt động của người dân 24/24 giờ, để đảm bảo gia đình nào ở yên trong gia đình đó. Qua quá trình thực hiện các biện pháp trên, người dân ở khu vực đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình nên đã rất tuân thủ các quy định của chính quyền.

Chặn dịch ngay từ gốc

Nhìn vào thực tế, Thanh Xuân là quận có dân số đông và mật độ dân cư cao, nhiều khu tập thể cũ, xuống cấp, điều kiện sống còn chật hẹp.

Hơn nữa, quận có tuyến đường vành đai, xuyên tâm kết nối với các quận, huyện khác là điều kiện dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân nêu chia sẻ, từ vụ việc ở Thanh Xuân Trung quận đã xác định, khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, mọi lực lượng phải vào cuộc nhanh hơn. Trong đó, khoanh vùng ở phạm vi rộng hơn, tập trung thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.

Các hộ dân sống xung quanh ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đều bị phong tỏa, đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Quá trình lấy mẫu xét nghiệm sẽ được chia tổ để thực hiện tại nhà dân để tránh lây nhiễm. Mặt khác, quận sẽ triển khai một số giải pháp khác như: kiểm soát theo mô hình " 3 lớp +," mô hình tổ dân phố tự quản bảo vệ "vùng xanh"... 

Xác định ổ dịch Thanh Xuân Trung không chỉ là việc của phường, quận mà nguy cơ lân lan ra khu vực khác trên địa thành phố nếu không tập trung dập dịch, ngày 25/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi.

Tại đây, ông Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo, "vùng đỏ" nhất trong "vùng đỏ" phải được thiết lập khu vực riêng. Vì vậy, chính quyền địa phương phải tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia.

Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc "khóa cứng" vùng lõi trong ổ dịch. Chủ tịch thành phố đặc biệt yêu cầu phải chặn bệnh ngay từ gốc nên các sở ngành phải bám cơ sở cùng quận để nhanh chóng xử lý khu vực nguy cơ rất cao này.

Theo CDC Hà Nội, nguyên nhân lây nhiễm nhanh như ở Thanh Xuân Trung một phần là người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Những yếu tố này làm cho việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều.

Vì vậy, theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để không bị lây lan dịch bệnh cho mình và cho xã hội, mỗi người người dân cần phải tận dụng tốt thời gian giãn cách xã hội để ở yên trong nhà, phòng, chống dịch.

Mặt khác, chính quyền cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa việc tuân thủ giãn cách, quy định 5K của người dân ở bên trong mỗi khu chung cư, lắp camera để phát hiện và xử phạt nghiêm minh những người vi phạm, không thể thực hiện giãn cách xã hội nửa vời, một người lơ là làm bao người vất vả, hao tổn nguồn lực xã hội./.

Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 27/8:

Thành phố Hà Nội:

- Số ca nhiễm: 3443 ca
- Số ca tử vong:  38 ca
- Số tiêm chủng:  2.837.916 mũi 

Trong nước:

- Số ca nhiễm:  410.366 ca.
- Số ca tử vong:  10.053 ca; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 8.097 ca; thủ đô Hà Nội:  38 ca.
- Số ca khỏi bệnh:  198.614 ca.
- Số tiêm chủng:  18.843.004 liều; trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều

Thế giới:

- Số ca nhiễm: 215.615.339 ca
- Số ca tử vong: 4.491.262 ca
- Số ca hồi phục: 192.811.069

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục