Từ vụ học sinh bị đâm tử vong, lộ lỗ hổng bảo vệ trong các nhà trường

Với mức lương hợp đồng chỉ vài ba triệu đồng, các trường học không thể tìm được người có nghiệp vụ an ninh thực sự mà chỉ có thể thuê những người cao tuổi, hưu trí để làm bảo vệ.
Từ vụ học sinh bị đâm tử vong, lộ lỗ hổng bảo vệ trong các nhà trường ảnh 1Trường Tiểu học xã Đồng Lương. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Vụ việc một đối tượng lạ đột nhập vào Trường Tiểu học xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa), đâm một học sinh tử vong và khiến bốn học sinh khác cùng một giáo viên bị thương làm người dân không khỏi bàng hoàng.

Bảo vệ nhà trường đã không thể phát hiện cũng như kịp thời can thiệp khi xảy ra sự cố. Nhiều ý kiến cho rằng, từ sự việc đau lòng trên đã đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh trong trường học hiện nay đã được quan tâm đúng mức?

Thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2018, có gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực liên quan đến học sinh, cán bộ, giáo viên diễn ra trong các nhà trường.

Theo hiệu trưởng các trường phổ thông, với mức lương thấp chỉ vài ba triệu đồng, đa số các trường chỉ thuê được những người cao tuổi, về hưu để làm công tác bảo vệ. Vì thế, khó lòng đảm bảo an ninh trong những trường hợp nguy cấp.

Lương thấp, khó tuyển bảo vệ có chuyên môn

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh.

Từ góc nhìn thực tế, lãnh đạo các trường phổ thông cho rằng, vấn đề an ninh ở các trường hiện nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức, nhất là trong vấn đề lực lượng bảo vệ. Trong khi đó, xã hội ngày càng phức tạp, khó lường, và nhà trường cũng phải chịu các tác động này.

[Đề nghị xử lý nghiêm vụ 6 cô, trò bị đâm thương vong ở Thanh Hóa]

Bảo vệ là lực lượng cần và có ở tất cả các trường, nhưng trong danh sách cán bộ biên chế, viên chức ở các nhà trường theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, không có biên chế, viên chức cho bảo vệ. Danh mục khung vị trí việc làm trong các trường phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2017 cũng không có vị trí bảo vệ.

Bảo vệ chỉ là nhân viên hợp đồng do các trường ký và trích ngân sách để trả. Vì thế, mức lương của các bảo vệ rất thấp. Theo ông Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), ở các trường, mức lương bảo vệ chỉ khoảng trên một triệu đồng/tháng, trường nào trả cao cũng chỉ ở mức 3 triệu đồng/tháng.

“Với mức lương thấp, các trường đương nhiên không có nhiều sự lựa chọn, không thể thuê được bảo vệ có chuyên môn nghiệp vụ thực sự, mà đa phần chỉ là những người già, về hưu. Họ thuần túy bảo vệ cơ sở vật chất đêm hôm, quản việc học sinh có vi phạm quy định hay không, còn phương án đề phòng, tác chiến trong trường hợp kẻ lạ đột nhập bất ngờ từ ngoài vào gây nguy hiểm cho cán bộ giáo viên và học sinh rất hạn chế, thậm chí không có. Đó là tình trạng chung,” ông Lê Văn Dỵ chia sẻ.

Không chỉ yếu về sức khỏe và nghiệp vụ, lực lượng bảo vệ của các trường cũng rất mỏng. Do là nhân viên hợp đồng, không trong biên chế, nên các trường cũng chỉ dám “rón rén” ký hợp đồng với một bảo vệ. “Như trường tôi, mạnh dạn lắm mới dám thuê hai bảo vệ. Nhưng họ phải thay ca làm cả ngày và đêm, nên vẫn quá tải và căng thẳng,” ông Dỵ nói.

Theo Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội), tại Hà Nội, dù các bảo vệ có được tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, nhưng cũng ở tình trạng chung của các trường trên cả nước là đa số bảo vệ là người cao tuổi. Vì thế, dù được tập huấn thì chất lượng nhìn chung vẫn khá thấp.

Từ vụ học sinh bị đâm tử vong, lộ lỗ hổng bảo vệ trong các nhà trường ảnh 2Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các học sinh bị thương của Trường Tiểu học xã Đồng Sơn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Cần biên chế, tăng lương cho bảo vệ

Theo ông Lê Văn Dỵ, trường học vốn là môi trường an toàn, vì thế dẫn đến tư tưởng chủ quan của các cán bộ quản lý, chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của bảo vệ. Tuy nhiên, sự việc thương tâm ở Trường Tiểu học xã Đồng Lương thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh rằng trong điều kiện xã hội ngày càng phức tạp hiện nay, trường học cũng khó tránh khỏi các nguy cơ.

“Bảo vệ phải là lực lượng an ninh thực sự, có chuyên môn nghiệp vụ rõ ràng. Chính phủ cũng nên quy định biên chế cho lực lượng này giống như cán bộ y tế học đường, tăng số lượng bảo vệ lên. Nếu lực lượng an ninh yếu và mỏng thì các đối tượng ngoài trường sẵn sàng xông vào trường trấn áp học sinh,” ông Dỵ phân tích.

Cần có quy định rõ ràng về biên chế, vị trí việc làm của bảo vệ trong các nhà trường cũng là kiến nghị của ông Lê Quốc Bình: “Bảo vệ phải là người trong độ tuổi lao động, có năng lực chuyên môn.”

[Vụ án mạng tại trường học ở Thanh Hóa: Hung thủ âm tính với ma túy]

Bên cạnh đó, theo ông Bình, để tăng cường đảm bảo an ninh trường học thì chính mỗi nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng, cũng phải quan tâm hơn nữa đến công tác này, và chịu trách nhiệm về các sự cố xảy ra nếu có. Các trường cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an xã, phường và nắm bắt thông tin về các đối tượng cộm cán để có sự phòng ngừa.

“Quan điểm của tôi là trường học trước hết phải là môi trường thực sự an toàn. Phải đảm bảo học sinh được an toàn, yên tâm, sau đó mới có thể dạy tốt và học tốt,” ông Bình nói.

Thừa nhận thực tế này, trong buổi làm việc với Trường Tiểu học xã Đồng Lương, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định, công tác bảo vệ trong các trường vẫn còn bất cập. Bảo vệ nhà trường hầu hết là hợp đồng, chưa được tập huấn nghiệp vụ, do đó khó có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ như sự việc vừa qua.

“Đây là vấn đề cần được quan tâm khắc phục, đảm bảo chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo vệ trong trường học, có chế độ tốt hơn cho đội ngũ này để họ yên tâm công tác,” ông Linh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục