Từ vụ sạt lở Đà Lạt: Vì sao 'mẹ thiên nhiên' lại nổi giận?

Việc phát triển kinh tế, đô thị quá nhanh tại một số địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, phá vỡ quy hoạch đô thị. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở nghiêm trọng.
Từ vụ sạt lở Đà Lạt: Vì sao 'mẹ thiên nhiên' lại nổi giận? ảnh 1Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người mất tích trong vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, xu thế xây dựng và phát triển ở các khu đô thị miền núi là tất yếu.

Tuy nhiên, trước thực trạng phát triển kinh tế, đô thị quá nhanh tại một số địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Quá tải về mật độ xây dựng

Đánh giá về nguyên nhân sạt lở đất diễn ra tại một số địa phương, trong đó có vụ sạt lở xảy ra cuối tháng 6 tại Đà Lạt, nhóm các nhà khoa học Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), gồm Tiến sỹ Trần Quốc Cường, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thành và Thạc sỹ Nguyễn Việt Tiến, cho rằng các khu vực Sapa, Đà Lạt đều là vùng núi với độ dốc địa hình dao động trung bình từ 15-30 độ.

Về địa chất, phần lớn diện tích khu vực Sapa là đá phiến hai mica, granit, granodiorit, gnais và một ít đá vôi, đất đá bị phong hóa mạnh đạt độ sâu từ 20-40m.

Trong vỏ phong hóa thường tồn tại khoáng vật sét monmorilonit rất nhạy đối với nước, gây biến dạng và suy yếu loại vỏ phong hóa này.

Tại khu vực Đà Lạt, các đá granodiorit và granit phổ biến hơn và phân bố kéo dài theo phương Đông Bắc-Tây Nam. Đất đá bị phong hóa mạnh với lớp vỏ phong hóa dày 20-40m. Lớp vỏ phong hóa cũng tồn tại khoáng vật sét monmorilonit dễ ngậm nước gây trương nở mạnh.

Khi mưa xuống, một phần nước ngấm vào đất làm gia tăng độ ẩm của đất khiến đất trương nở mạnh.

[Ứng xử đúng mực với thiên nhiên: Khi thiên nhiên không được tôn trọng]

Độ ẩm của đất tăng từ 7-20% và làm suy giảm độ bền của đất tới 20-30%, thậm chí còn giảm nhiều hơn.

Chính vì vậy, vào mùa mưa ở các khu vực miền núi thường xảy ra các sự cố môi trường nghiêm trọng như trượt-lở, lũ quét-lũ bùn đá.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, tại các địa phương vùng cao Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên phong phú, da dạng, có tiềm năng phát triển kinh tế, người dân đua nhau xây dựng các công trình bêtông, cao tầng.

Để tạo mặt bằng xây dựng, họ thường sử dụng hai cách: tạo mặt bằng xây dựng bằng cách cắt xén các sườn núi thành các mái taluy với độ dốc rất lớn (50-70 độ, thậm chí còn hơn).

Với mái taluy có góc dốc lớn và vỏ phong hóa dày, khi gặp mưa đất dễ ngậm nước và dẫn đến suy giảm độ bền.

Nếu mái taluy không được gia cố bảo vệ đúng kỹ thuật thì sẽ sụp đổ là đương nhiên, vấn đề chỉ là thời gian.

Một cách nữa, tạo mặt bằng thi công bằng cách xây dựng bức tường chắn ở taluy âm, sau đó đem đất nơi khác đến lấp đầy và san nền tạo mặt bằng và xây dựng các công trình kiên cố trên mảnh đất mượn này.

Cách này còn nguy hiểm hơn cách trên, bởi đắp nền ko đúng kỹ thuật, không có hệ thống thoát nước cho khối đất mới đắp. Khi mưa xuống, nước ngấm vào sẽ gây ra áp lực. Cả khối đất mới đắp sẽ dịch chuyển xuống phía dưới, đẩy bức tường sụp xuống.

Trao đổi thêm về nguyên nhân vụ sạt lở tại Đà Lạt, Tiến sỹ Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng để có thể đánh giá một cách chính xác nguyên nhân vụ việc lần này, phải có khảo sát, nghiên cứu, tính toán của các cơ quan chuyên môn. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên cũng như các giải pháp công trình, mới có thể đánh giá được chính xác và đưa ra giải pháp cụ thể cho sự việc tại Đà Lạt.

Theo góc nhìn của Tiến sỹ Đinh Quốc Dân, tình hình thời tiết ngày xảy ra vụ sạt lở có mưa lớn kéo dài. Khu vực xảy ra là tại một khu dân cư sống cheo leo, phía trước là thung lũng, phía sau là đồi cao, đang chuẩn bị xây dựng công trình. Do đó, vị trí sạt lở cũng có thể là một nguyên ngân dẫn đến vụ việc trên.

Để giải quyết hậu quả từ việc xây dựng quá nhiều công trình trên nền đất dốc và kỹ thuật xây dựng sai, dưới góc độ chuyên gia địa chất, Tiến sỹ Trần Quốc Cường, Viện Địa chất, đề xuất giải pháp, trước hết, cần tạo đường dẫn nước mặt nhằm hạn chế nước chảy vào khối đất đắp; che phủ không để nước mưa rơi trực tiếp xuống khối đất mới đắp; che phủ mặt mái dốc dựng đứng để nước mưa không xối vào.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải quản lý công tác xây dựng ở các đô thị miền núi theo luật định với các quy định cụ thể rõ ràng không có ngoại lệ, tuân thủ quy hoạch. Theo đó, góc mái dốc và chiều cao mái dốc an toàn phải được cụ thể hóa cho từng địa phương với những đặc trưng của đất nơi đó.

Trên từng mái dốc phải quy định mật độ xây dựng cho phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để không quá tải về hạ tầng kỹ thuật.

Chiều cao lớn nhất của công trình xây dựng trên mái dốc cũng nên được quy định cụ thể đảm bảo tính mỹ quan, phù hợp với cảnh quan môi trường và không gây quá tải về tải trọng lên mái dốc.

Tiến sỹ Trần Quốc Cường cho biết: “Để tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự thời gian tới, theo đúng quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” tại Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta nên nhìn lại mật độ xây dựng các công trình nằm trên triền núi của Đà Lạt hay Sapa trước kia. Đồng thời, tham khảo các cách quản lý, quy hoạch và xây dựng của một số thành phố nằm trên núi của thế giới như Thành phố Monaco trong lãnh thổ Cộng hòa Pháp, các thành phố được xây dựng trên các triền núi tại Cộng hòa Italy.”

Bài học về công tác quản lý

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng ngày càng nhiều vụ sạt lở xảy ra tại Đà Lạt, Tiến sỹ Đinh Quốc Dân cho rằng cần tính toán lại việc quản lý, cấp giấy phép xây dựng ở những vị trí, khu vực đặc thù nhằm tạo an toàn tối đa cho các công trình.

Dưới góc độ là chuyên gia môi trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đề xuất ý kiến các dự án đầu tư nói chung và dự án xây dựng hạ tầng du lịch nói riêng theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc cam kết môi trường; trước khi hoạt động cần có giấy phép môi trường. Đối với dự án xây dựng hạ tầng trong điều kiện địa chất phức tạp cần có giải pháp kỹ thuật phòng ngừa sự cố môi trường.

Thời gian tới, cơ quan quản lý các địa phương cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các dự án xem đã có đủ những nội dung đó không, nếu thiếu, cần yêu cầu khắc phục ngay để tránh tạo ra các sự cố tương tự trong tương lai.

Cùng với đó, đối với các dự án xây dựng hạ tầng du lịch cần có đánh giá tác động môi trường và báo cáo đó phải được cơ quan quản lý môi trường thẩm định.

Nếu không có báo cáo hoặc báo cáo đó không được thẩm định nghiêm túc thì chủ dự án và cơ quan quản lý môi trường phải chịu trách nhiệm.

Có thể thấy vụ sạt lở đất tại khu dân cư trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã gây hoang mang cho cộng đồng dân cư.

Đây là bài học lớn trong công tác quản lý xây dựng ở cơ sở, vì thế cơ quan chức năng ở một số địa phương miền núi, trung du Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng cần kiểm tra, đánh giá độ an toàn của các mái dốc và công trình xây dựng trên mái dốc để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, việc thiết kế, xây dựng các công trình phát triển kinh tế cần có sự hòa hợp với thiên nhiên, tránh phá vỡ cảnh quan.

Bởi, con người không thể sống tách biệt với thiên nhiên mà phải dựa vào thiên nhiên để sinh tồn và phát triển./.

Bài 1: Ứng xử đúng mực với thiên nhiên: Khi thiên nhiên không được tôn trọng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục