Tứ Xuyên hồi sinh mạnh mẽ sau cơn đại địa chấn kinh hoàng năm 2008

Ngày 12/5 đánh dấu tròn 10 năm ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng chấn động tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, một trong những thảm họa gây thiệt hại về kinh tế-xã hội lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Tứ Xuyên hồi sinh mạnh mẽ sau cơn đại địa chấn kinh hoàng năm 2008 ảnh 1Vườn cây rực rỡ như một bức tranh tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Ngày 12/5 đánh dấu tròn 10 năm ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng chấn động tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, một trong những thảm họa gây thiệt hại về kinh tế-xã hội lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Những người từng trải qua cơn địa chấn khủng khiếp ở Tứ Xuyên năm 2008 chắc chắn sẽ không thể quên những giây phút kinh hoàng ấy.

Một buổi chiều như tất cả các buổi chiều khác tại tỉnh Tứ Xuyên. Học sinh tại các lớp học vẫn trên giảng đường, nhân viên văn phòng trở lại bàn làm việc sau bữa trưa, và mọi công việc khác diễn ra như thường lệ. Họ không hề biết rằng, một thảm họa khủng khiếp sắp xảy ra.

Cách thủ phủ Tứ Xuyên khoảng 90km về hướng Tây-Tây Bắc, ở độ sâu 19km dưới lòng đất, các mảng lục địa bắt đầu va chạm vào nhau tạo ra một sự đứt gãy kéo dài đến 240km.

Một cơn địa chấn mạnh 7,8 độ Richter với tâm chấn nằm ở huyện Vấn Xuyên bắt đầu xảy ra làm rung chuyển cả tỉnh Tứ Xuyên và các vùng lân cận, khiến người dân nơi đây không kịp trở tay.

Chỉ 2 phút sau đó, mọi thứ hầu như chỉ còn là một đống đổ nát. Gần 87.000 người thiệt mạng, trong đó trẻ em ở độ tuổi đến trường chiếm tỷ lệ lớn, hơn 370.000 người bị thương.

Cơn địa chấn gây thiệt hại cho 19 trong tổng số 21 thành phố, huyện, thị và làng mạc của tỉnh, gần 5,5 triệu ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và hơn 5,9 triệu ngôi nhà bị hỏng nặng.

Thiệt hại ước tính khoảng 86 tỷ USD. Đây cũng là thảm họa thiên nhiên khiến nhiều người trở thành vô gia cư nhất thế giới (gần 5 triệu người).

[Trung Quốc xây hệ thống cảnh báo động đất sớm ở Tứ Xuyên]

Dư chấn của trận động đất còn làm rung chuyển cả những vùng đất xa xôi như Bắc Kinh (cách 1.500km); Thượng Hải (cách 1.700km) và một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Việt Nam hay Pakistan.

Động đất, dư chấn và sạt lở trong thảm họa đã khiến sự kiện này trở thành một trong những thảm họa gây thiệt hại về kinh tế-xã hội lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nếu tính về độ mạnh, trận động đất 7,9 độ Richter này không phải là một kỷ lục, nhưng sự tàn phá mà nó gây ra, và số lượng người bị ảnh hưởng đã khiến sự kiện này trở thành một trong những thảm họa kinh hoàng nhất của Trung Quốc, chỉ đứng sau trận động đất Đường Sơn 1976 và đứng thứ 7 trên toàn thế giới trong vòng 100 năm trở lại đây.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thương vong và thiệt hại của trận động đất kinh hoàng như vậy chính là chất lượng những công trình xây dựng ở đây.

Theo khảo sát, nhiều ngôi nhà ở đây được đắp từ bùn, thậm chí là có bêtông gia cố nhưng vẫn không đủ sức chống chọi với cơn địa chấn. Các trường học cũng xây dựng ngoài tiêu chuẩn động đất, chúng nhanh chóng bị vỡ vụn và chôn vùi hàng nghìn học sinh.

10 năm sau thảm họa, những vết thương đã bắt đầu lành, vùng đất Tứ Xuyên đổ nát năm xưa đang hồi sinh mạnh mẽ.

Và người dân Tứ Xuyên, sau bao nỗ lực thần kỳ, hôm nay họ đã tự hào kể về vùng đất của mình rằng: tái thiết sau động đất ở Tứ Xuyên “đẹp nhất là nhà dân, an toàn nhất là trường học, hiện đại nhất là bệnh viện, và hài lòng nhất là người dân.”

Quả thật, ngay sau thảm họa, Chính phủ Trung Quốc đã chi tới 200 tỷ USD để tái thiết Tứ Xuyên.

Nhờ số tiền này, 1 triệu khu dân cư đô thị và 3,5 triệu ngôi làng đã được xây dựng, 27.000km đường giao thông được tái thiết, 18 triệu m2 trường học, 7 triệu m2 cơ sở y tế đã được xây dựng để thay thế cho những gì đã bị phá hủy.

Còn đối với các bậc cha mẹ chịu nỗi đau mất con, niềm vui đã trở lại khi họ đón những sinh linh bé nhỏ mới chào đời nhờ sự thay đổi trong chính sách dân số của Chính phủ đối với gia đình có con một tử vong trong trận động đất.

Ngành du lịch Tứ Xuyên lại trở về nhịp sống hàng ngày. Tại các điểm du lịch của thị trấn Anchang, gần huyện Bắc Xuyên, nơi bị san phẳng bởi trận động đất, lượng khách du lịch lại đổ về nườm nượp.

Và một điều đặc biệt nữa là sau động đất, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, với sự đồng thuận của người dân, đã quyết định xây lại huyện Bắc Xuyên ở một nơi hoàn toàn mới với các điều kiện an toàn hơn.

Khu Bắc Xuyên cũ với vô số những tòa nhà nghiêng ngả, cầu đường đổ sập được lưu giữ như một bảo tàng sống nhằm giáo dục cho các thế hệ sau về mức độ khốc liệt của thảm họa thiên nhiên.

10 năm sau cơn đại địa chấn, Tứ Xuyên hôm nay vẫn là nơi các trận động đất diễn ra mạnh mẽ.

Cuối tháng 8/2017, một trận động đất mạnh 7 độ Richter đã làm rung chuyển Cửu Trại Câu, một địa điểm du lịch nổi tiếng làm 20 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Mặc dù vậy, mỗi năm vẫn có hàng triệu lượt du khách tới đây. Họ đến không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp của Tứ Xuyên hay để tưởng nhớ các nạn nhân đã thiệt mạng trong cơn đại địa chấn, mà họ còn đến đây với mục đích nghiên cứu và tìm hiểu lý do vì sao các thảm họa thiên nhiên lại thường xuyên ghé thăm vùng đất xinh đẹp này đến vậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.