Tuần hành lớn ở Bỉ phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ

Khoảng 7.000 người tuần hành tại trung tâm thủ đô Brussels của Bỉ để phản đối các biện pháp khắc khổ do Chính phủ của Thủ tướng Charles Michel áp đặt.
Tuần hành lớn ở Bỉ phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ ảnh 1Người biểu tình ở thủ đô Brussels, Bỉ. (Nguồn: popularresistance.org)

Sáng 30/3, khoảng 7.000 người tuần hành tại trung tâm thủ đô Brussels của Bỉ để phản đối các biện pháp khắc khổ do Chính phủ của Thủ tướng Charles Michel áp đặt.

Đoàn tuần hành đi qua các con phố chính và tập trung gần văn phòng Thủ tướng Michel, ảnh hưởng đến giao thông công cộng tại các khu vực này.

Số lượng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe bus, tàu điện ngầm đều giảm, thậm chí ngừng hoạt động tại một số tuyến. Tại sân bay Brussels, nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm giờ do 30% nhân viên hành lý tham gia tuần hành.

Ông Philippe Van Muylder, Tổng Thư ký Nghiệp đoàn lao động Brussels (FGTB) cho biết người dân đang đối mặt với dự án của Chính phủ giảm mọi khoản trợ cấp xã hội. Ông Chris Vanmol, Thư ký nghiệp đoàn CSC-Brussels-Hal-Vilvorde cho rằng biện pháp khắc khổ không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Ngày 29/3 cũng đã diễn ra một cuộc tuần hành với mục đích tương tự dưới trời mưa tầm tã với sự tham gia của gần 20.000 người từ khắp mọi miền đất nước. Các nghiệp đoàn dự định tiếp tục tổ chức biểu tình vào ngày 1/4 tới tại các thành phố lớn của Bỉ như Liège, Namur, Charleroi và một số thành phố lớn thuộc vùng Flanders. Khu vực nhà nước có kế hoạch bãi công vào ngày 22/4.

Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 11/10/2014, Chính phủ liên minh 4 đảng do ông Michel đứng đầu đã phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ với mức tăng trưởng dự báo hơn 1% trong năm 2014 và nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tương đương khoảng 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Để giải quyết tình trạng này, ông Michel tuyên bố sẽ áp dụng một loạt biện pháp như kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 67 tuổi, cắt giảm chi tiêu khoảng 8 tỷ euro (tương đương 10 tỷ USD) để cân đối ngân sách quốc gia vào năm 2018 và giảm nợ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.