Ngày 20/3, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài trụ sở cơ quan lập pháp bang Georgia (Mỹ) ở thủ phủ Atlanta để biểu thị sự ủng hộ đối với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.
Trước đó, tại thành phố này trong ngày 16/3 đã xảy ra loạt vụ tấn công tại 3 quán spa khác nhau khiến 8 người thiệt mạng, trong đó đa phần là phụ nữ gốc châu Á.
Loạt vụ tấn công trên xảy ra 1 năm sau làn sóng bạo lực nhằm vào người gốc châu Á gia tăng tại Mỹ. Các lãnh đạo cộng đồng cho rằng nguyên nhân là do người Mỹ gốc châu Á bị đổ lỗi làm lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi ca bệnh đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019.
Hàng trăm người đã đeo khẩu trang, vẫy cờ Mỹ và mang theo các khẩu hiệu có nội dung "Chúng tôi không phải là virus" và "Chấm dứt sự miệt thị đối với người châu Á."
[Giới chức Mỹ quan ngại về tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á]
Hai thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ đại diện cho Georgia là ông Raphael Warnock và ông Jon Ossoff đã dẫn đầu đám đông người tuần hành dành một phút mặc niệm các nạn nhân.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sỹ Ossoff cho rằng cần xây dựng một đất nước mà ở đó không ai phải lo sợ về nguồn gốc hoặc nơi mình đến.
Loạt vụ tấn công ngày 16/3 bắt đầu khi Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi, xả súng tại tiệm Young's Asian Massage ở Acworth, ngoại ô thành phố Atlanta, khiến 4 người thiệt mạng và 1 người bị thương.
Tiếp sau đó, nghi can tấn công 2 spa khác ở phía Đông Bắc thành phố Atlanta, khiến 4 phụ nữ thiệt mạng.
Trong vụ tấn công đầu tiên, nghi can này bị cáo buộc 4 tội danh giết người và 1 tội danh hành hung cấp độ nặng. Nghi can cũng bị cáo buộc thêm 4 tội danh giết người trong 2 vụ tấn công sau đó.
Cảnh sát bắt giữ đối tượng Long sau hành trình truy đuổi khoảng 240km từ thành phố Atlanta, theo dấu điện thoại của tên này. Sau khi bị bắt, đối tượng cho biết dự định tới Florida để tiếp tục thực hiện các vụ tấn công khác nhằm vào các địa điểm kinh doanh khiêu dâm.
Nhà chức trách Georgia vẫn chưa xác định được điều gì đã thôi thúc Long tiến hành loạt vụ tấn công trên. Theo các nghị sỹ và những người ủng hộ chống phân biệt chủng tộc, có thể việc kỳ thị người dân châu Á là một phần dẫn đến động cơ này.
Trong phát biểu ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc châu Á là “rất đáng quan ngại.”
Thực tế cho thấy tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong thời gian đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại phiên điều trần của một tiểu ban của Hạ viện, nghị sỹ Steve Cohen nhấn mạnh các vụ tấn công nhằm vào người gốc châu Á ngày càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ngày một xấu đi. Riêng trong năm ngoái, đã có gần 3.800 vụ việc chống người gốc châu Á.
Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, công bố ngày 16/3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ.
Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân./.