Tuần lễ VN-Index chịu tác động lớn từ câu chuyện thoái vốn của SCIC

Với khối lượng giao dịch lên trên 83,5 triệu đơn vị, cổ phiếu FLC giành ngôi vị quán quân tại HoSE trong tuần qua. Trên HNX, cổ phiếu KLF dẫn đầu với khối lượng chuyển nhượng đạt 29,5 triệu đơn vị.
Tuần lễ VN-Index chịu tác động lớn từ câu chuyện thoái vốn của SCIC ảnh 1

Với khối lượng giao dịch lên trên 83,5 triệu đơn vị, cổ phiếu FLC đã giành lại ngôi vị quán quân về giao dịch tại HoSE trong tuần qua. Tiếp đến là cổ phiếu FIT, với khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng 43,6 triệu đơn vị và OGC, ITA, HAI là các vị trí còn lại trong top 5.

Trên HNX, cổ phiếu KLF dẫn đầu với khối lượng chuyển nhượng đạt gần 29,5 triệu đơn vị. Thứ hai là mã cổ SCR có khối lượng giao dịch đạt 29,2 triệu đơn vị và liền sau đó là các mã TIG, SHB, SHN.

Tuần qua, VN-Index trải qua tuần giao dịch ảm đạm do chịu tác động từ áp lực chốt lời của một số mã trụ cột, đặc biệt là VNM.

Chốt tuần, VN-Index giảm 1,11%, xuống mức 604,11 điểm. Chỉ số HNX-Index hầu như đi ngang, chốt tuần tăng nhẹ 0,02% so với cuối tuần trước và lên mức 81,59 điểm.

Diễn biến thị trường chung, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục phân hóa, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tuần điều chỉnh của VN-Index. Cụ thể, VNM (-4,38%), FPT (-6,42%), VIC (-1,35%), TCM (-1,47%), MSN (-1,36%), VCB (-1,05%), CTG (-3,4%).

Bênh cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có tuần giao dịch nhiều biến động khi giá dầu thế giới liên tục suy giảm, như GAS (-0.46%), PXS (-2,07%), PGD (-0,65%), PVD (+0,9%).

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ lại thu hút dòng tiền khá tốt và có mức tăng ấn tượng trong tuần giao dịch, như FLC (+8,64%), SHI (+12,58%), JVC (+12,31%), GTN (+13,1%). Ngoài ra, một vài mã lớn cũng duy trì được mức tăng khả quan, cụ thể NT2 (+1,87%), CSM (+4,07%), CTD (+10%).

Tuần lễ VN-Index chịu tác động lớn từ câu chuyện thoái vốn của SCIC ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuần qua, khối ngoại giao dịch có phần sôi động, khi khối lượng giao dịch tăng trên cả 2 sàn. Cụ thể, khối lượng mua và bán tăng lần lượt 72,8% và 11,1% trên sàn HoSE và tăng tương tự 20,6% và 74,2% trên HNX.

Tại sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất tại mã DLG với khối lượng gần 8,5 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã OGC đạt 1,2 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã BID, DPM, JVC.

Ở chiều ngược lại, họ lại bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu MSN, với khối lượng lên đến 3 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã HVG có khối lượng gần 1,3 triệu đơn vị.

Phía sàn HNX, mã PVC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 385.700 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là HDC, CEO, VGS, TNG.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhiều nhất tại mã cổ phiếu EBS, với 520.720 đơn vị, tiếp đến là các mã PVS, BCC, HUT, PSI.

Nhìn lại diễn biến giao dịch, VN-Index đã trải qua 4 phiên giảm điểm liên tiếp và đây là lần thứ hai trong tháng 11, với mức giảm 1,54%. Bên cạnh yếu tố tâm lý, diễn biến điều chỉnh giảm của VN-Index còn chịu tác động rất lớn bởi áp lực chốt lời của các mã trụ cột liên quan tới câu chuyện thoái vốn của SCIC, đặc biệt là VNM.

Sau khi chạm đỉnh ngắn hạn 140 đồng/cổ phiếu, VNM đã điều chỉnh có 3 phiên liên tiếp với mức giảm 7,7%, sau đó hồi phục trở lại vào phiên cuối tuần đồng thời giúp VN-Index trụ vững trên mốc 600 điểm.

Quan sát dòng tiền cho thấy sự chuyển hướng sang nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt tại một số mã đầu cơ như FLC, HAI, FIT, KLF. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục có diễn biến bán ròng tập trung vào một số mã dẫn dắt nên cũng tác động tiêu cực tới diễn biến chung của thị trường.

Theo nhận định chung từ giới phân tích, sự tăng giá của một số các mã đầu cơ mang tính tích cực cục bộ, do hiệu ứng của dòng tiền ngắn hạn mang lại và chưa phản ánh được sức mạnh của thị trường. Dự báo, trạng thái phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới. VN-Index nếu vượt được mốc cản 605 điểm sẽ gặp sự thử thách tại vùng 610 điểm-615 điểm, trường hợp ngược lại chỉ số này sẽ kiểm nghiệm lại mốc hỗ trợ 595 điểm.

Tuần lễ VN-Index chịu tác động lớn từ câu chuyện thoái vốn của SCIC ảnh 3

Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục