Túi nilon chất đống ven hồ ở Hà Nội trong ngày lễ ông Công ông Táo

Sáng 23 tháng Chạp, rất đông người dân Hà Nội đã mang cá chép ra các khu vực sông, hồ để “hóa rồng” tiễn Táo quân về trời, song tình trạng "phóng sinh phóng luôn cả túi nilon" đã không còn xảy ra.
Túi nilon chất đống ven hồ Linh Đàm trong ngày lễ ông Công ông Táo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Hà Nội lại nô nức mang cá chép ra các khu vực sông, hồ để “hóa rồng” tiễn Táo quân về trời. Trong lúc phóng sinh, thả cá, người dân tiện tay “phóng” luôn cả túi nilon khiến nhiều sông, hồ ngập rác.

Thói quen “phóng sinh phóng luôn cả túi nilon” diễn ra trong ngày cúng ông Công ông Táo trên đã khiến nhiều sông, hồ ở giữa lòng Thủ đô bị ô nhiễm nặng nề đồng thời gây phản cảm, làm mất nét đẹp truyền thống của người xưa.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước. Còn năm nay, việc thả cá chép tiễn ông Táo quân về trời đã “thân thiện môi trường” hơn rất nhiều, khi thông điệp “thả cá đừng thả túi nilon” đã thực sự ăn vào ý thức của từng người dân.

Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại khu vực hồ Linh Đàm sáng 23/1 cho thấy tình trạng “thả cá thả luôn cả túi nilon” đã không còn xảy ra. Hầu hết người dân đến phóng sinh sau khi thả cá xuống nước đều cầm lại túi bóng lên vứt tại các điểm tập kết túi nilon, rác thảivdo người dân “tự quy hoạch” trên bờ.

Sau vài tiếng phóng sinh, lượng túi nilon ven hồ Linh Đàm đã được chất thành những đống lớn gọn gàng, chờ công nhân vệ sinh môi trường đến thu dọn.

Dù rằng, trong vô vàn những người đến phóng sinh cá chép tại hồ Linh Đàm trong ngày tiến Táo quân cũng có một số người theo thói quen đã “thả cá thả luôn cả túi nilon” xuống hồ. Song những trường hợp hợp này ngay lập tức đã bị chính người đi thả cá nhắc nhở, góp ý, sửa chữa thói quen xấu.

“Chị ơi, sao lại vứt túi nilon xuống hồ như vậy, mọi người thả cá xong đều mang túi nilon lên vứt gọn gàng trên bờ kìa, thả cả túi nilon thế sao cá sống được,” chị Hoa, một người đi “hóa cá chép” tại hồ Linh Đàm bức xúc khi thấy một người phụ nữ “phóng sinh túi nilon” xuống hồ.

Sau lời nhắc nhở, người phụ nữ lạ hướng đôi mắt về phía đống túi nilon chất gọn gàng ở ngay trên bờ, rồi quay xuống nhặt túi nilon đang nổi trên mặt nước vứt lên đống rác. “Mình quen tay, quên mất,” người phụ ái ngại nói rồi lặng lẽ đi về.

[Làng nuôi cá chép đỏ xứ Thanh trước ngày ông Công, ông Táo về trời]

Người dân Hà Nội lại nô nức mang cá chép ra các khu vực sông, hồ để “hóa rồng” tiễn Táo quân về trời. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Hà, một người dân sống sát hồ Linh Đàm cho biết: “Theo quan sát của tôi thì hồ Linh Đàm năm nay rất sạch sẽ. Nhiều điểm tập kết túi nilong ven bờ đã được công nhân môi trường thu gom sạch sẽ từ chiều tối ngày hôm qua, nên lượng túi nilon tại đây đã giảm đi nhiều.”

Người đàn ông 60 tuổi này cũng cho biết, đại đa số người dân khi đi phóng sinh cá chép trong ngày hôm qua và sáng nay đều tự giác vứt túi nilon tại các điểm tập kết rác, không có hiện tượng xả rác tràn lan như năm ngoái.

“Đây là một tín hiệu rất vui, cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã thay đổi rất nhiều,” ông Hà chia sẻ thêm.

Tại các khu vực khác như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Thiền Quang, ghi nhận của phóng viên sáng 23 tháng Chạp cũng cho thấy, việc thả cá chép tiễn ông Táo quân về trời đã “thân thiện môi trường” hơn rất nhiều, khi người dân đến phóng sinh đã không vứt túi nilon xuống hồ, mà vứt tại các điểm tập kết trên bờ hoặc cầm về.

Trước đó, trong ngày 22 tháng Chạp, vì là ngày nghỉ, nên nhiều người dân Hà Nội cũng đã tranh thủ làm lễ cúng ông Công ông Táo, rồi mang cá chép ra các sông, hồ thả sớm. Hình ảnh ấn tượng là, nhiều người đã sử dụng tô, chậu, thùng xốp, nồi niêu đựng cá chép để tiện cho việc phóng sinh, cũng như giảm phát thải túi nilon ra môi trường.

Nhờ đó, tình trạng sông, hồ “nghẽn” túi nilon đã không xảy ra../.

Không còn cảnh "phóng sinh phóng luôn cả túi nilon" trong ngày tiễn Táo quân về trời. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục