Cứ đến Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi mùa ban chúm chím nở khắp núi rừng thì người dân ở Tây Bắc lại bắt đầu tổ chức Lễ hội Hoa ban, cùng với tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang khắp thôn bản.
Lễ hội này không chỉ thu hút sự tham gia của người Thái như trước đây, mà nay còn nhiều dân tộc khác cùng tham dự, không chỉ có ở một địa phương tổ chức mà khắp xứ vùng Tây Bắc, ở đâu có rừng ban mọc thì nơi đó người dân tổ chức Lễ hội Hoa ban, đánh dấu một mùa xuân mới khởi đầu cho mùa làm nương, cuốc rẫy.
Bởi vậy, Lễ hội Hoa ban còn gắn với mong ước của người dân nơi vùng lưu vực thượng nguồn sông Đà, sông Mã - nơi hội tụ của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam sinh sống.
Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La là một trong những địa phương ở Tây Bắc tổ chức Lễ Hội Hoa Ban này. Nhiều hoạt động hấp dẫn như múa xòe, thi ẩm thực những món được chế biến từ hoa ban, thi bắt cá, chọi chim, chọi gà, kéo co, tó má lẹ (trò chơi chọi quả), thi trình diễn trang phục dân tộc, hát giao duyên và các trò chơi dân gian khác cũng góp mặt trong Lễ hội độc đáo này.
Cây hoa ban được biết tới như một loài hoa có sức sống mãnh liệt, rễ của nó cắm sâu vào lòng đất, bám chắc vào sườn núi đá, trở thành biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Cây có thể cao đến 10-12m, hoa có năm cánh màu từ tím, hồng nhạt đến trắng, đường kính 8-12cm. Tại Việt Nam, loài cây hoa này sinh trưởng, mọc thành rừng chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ.
Dưới đây là một số hình ảnh về các hoạt động của lễ hội độc đáo này: