Tưng bừng với lễ hội té nước mừng Năm mới tại Thái Lan

Từ sáng 13/4, người dân Thái Lan đã tưng bừng tham gia các hoạt động mừng Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước.
Người dân Thái Lan đón Lễ hội cổ truyền Songkran tại Ayutthaya ngày 11/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ sáng 13/4, người dân Thái Lan đã tưng bừng tham gia các hoạt động mừng Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước.

Mùa Lễ hội Songkran năm nay, ngoài những địa điểm quen thuộc như thủ đô Bangkok, các khu du lịch nổi tiếng như Chiang Mai, Ayutthaya, Phuket, Songkhla... chính quyền Thái Lan còn tích cực quảng bá cho ba khu du lịch mới nổi là Tak, Mukdahan và Ranong, những nơi sẽ tổ chức các hoạt động như trình diễn thời trang của người thiểu số Thai Yai, biểu diễn âm nhạc truyền thống, hội chợ ẩm thực bản địa...

Tại thủ đô Bangkok, trong các ngày từ 13-15/4, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại đường Wisutkasat dưới chân cầu Rama VIII và Quảng trường Siam như diễu hành, trình diễn trang phục “Pha Khao Ma” của đàn ông, tắm tượng Phật của 4 quốc gia ASEAN, biểu diễn nghệ thuật và các trò chơi dùng nước.

Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị cho lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan từ ngày 4-6/5, năm nay sẽ không có các chương trình nghệ thuật được tổ chức tại hai tuyến phố đông khách du lịch nước ngoài là Khao San và Silom trong dịp Songkran.

Tại đây, người dân và khách du lịch vẫn được phép té nước, nhưng việc sử dụng súng phun nước áp lực cao và đồ uống có cồn bị nghiêm cấm.

Tưng bừng Tết cổ truyền Songkran tại Thái Lan. (Nguồn: thethaiger.com)

Trong thông điệp nhân dịp Tết Songkran, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân Thái Lan đoàn kết và phối hợp với nhau để duy trì hòa bình và đưa đất nước tiến tới dân chủ.

Ông nhấn mạnh mọi người phải phối hợp với để giảm mâu thuẫn, học cách tha thứ và gác lại các vấn đề còn tồn tại trong dịp Songkran.

Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch và từ "Songkran" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển.

Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.

Về ý nghĩa tâm linh, té nước tượng trưng cho hình ảnh của thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi. Mặt khác, tháng Tư là giai đoạn đầu mùa Hè nên mọi người té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức.

Ngày chính thức của Tết Songkran là ngày 13/4, song người dân Thái Lan thường dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa vật dụng, đồ ăn, thức uống trước từ ngày 12/4.

Vào buổi sáng ngày 13/4, theo phong tục truyền thống, người dân lên chùa dâng hương, lễ Phật và thực hành nghi lễ tắm Phật đầu năm đón mừng theo sự tích Đản sinh của Đức Phật, để tỏ lòng thành kính và cầu may cho Năm mới.

Sau nghi lễ ở chùa, mọi người đổ xuống đường chào đón năm mới bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa mọi ưu phiền của năm cũ, đón mừng năm mới.

Người dân Thái Lan đón Lễ hội cổ truyền Songkran tại Ayutthaya. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo truyền thống, trên khắp nẻo đường Thái Lan, người dân mặc áo hoa, bật nhạc, hò reo, nhảy múa và té nước vào nhau... Người Thái Lan tin rằng ai càng được té nhiều nước, người đó càng có nhiều may mắn trong Năm mới.

Kể từ 2018, Chính phủ Thái Lan đã chính thức kéo dài thời gian diễn ra Lễ hội Songkra trên toàn quốc lên 5 ngày, từ 12-16/4 hằng năm để người dân có thời gian về quê nghỉ lễ.

Nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu cảnh sát thực thi nghiêm các quy định trong dịp Songkran. Cảnh sát sẽ buộc tội giết người đối với những lái xe vượt quá tốc độ và say rượu, bia gây tai nạn chết người trong dịp này.

Chính phủ Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì chiến dịch “7 ngày nguy hiểm” như thông lệ từ ngày 11-17/4 nhằm hạn chế tai nạn giao thông - vấn nạn gây nhức nhối mỗi dịp đón Songkran.

Vào mùa lễ hội Songkran năm 2018, bất chấp việc tăng cường chiến dịch an toàn giao thông, vẫn có tới 3.724 vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của 418 người và làm bị thương 3.897 người.

Theo thông báo của Trung tâm Chỉ đạo an toàn đường bộ Thái Lan, trong hai ngày đầu 12 và 13/4 của “7 ngày nguy hiểm” năm nay, trên khắp đất nước Thái Lan đã xảy ra 969 vụ tai nạn giao thông, làm 105 người chết và hơn 1.000 bị thương. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn là lái xe chạy quá tốc độ và sử dụng rượu bia.

Năm 2019, người dân Thái Lan được hưởng hai kỳ nghỉ dài ngày liền nhau là Ngày tưởng niệm triều đại Chakri và lễ hội Songkran, cộng thêm việc đồng baht Thái Lan tăng giá, nên nhiều người đã lên kế hoạch đi nghỉ dài ngày từ 6-15/4.

Ước tính, có tới 300.000 người Thái Lan đi nghỉ ở nước ngoài trong dịp này. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa và du khách nước ngoài đến Thái Lan được cho là sẽ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do lo ngại về tình trạng khói bụi ở miền Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục