Ngày 19/7, Tunisia đã quyết định kéo dài thêm 2 tháng tình trạng khẩn cấp, vốn được áp đặt từ tháng 11/2015 sau hàng loạt vụ tấn công của các phần tử thánh chiến ở nước này.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Tunisia nêu rõ sau khi tham vấn Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống Beji Caid Essebsi đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp trên khắp lãnh thổ thêm 2 tháng, kể từ ngày 21/7/2016.
Luật pháp Tunisia quy định trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, nhà chức trách được phép cấm các cuộc biểu tình, đình công và tụ họp có thể "gây ra hoặc duy trì tình trạng mất trật tự," đóng cửa tạm thời các rạp hát, cửa hàng bán đồ uống có cồn, quán bar, cũng như áp dụng mọi biện pháp nhằm bảo đảm kiểm soát báo chí và các ấn phẩm.
Tunisia đã áp đặt tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành, tại thủ đô Tunis hồi tháng 11/2015, khiến 12 thành viên đội cận vệ của tổng thống thiệt mạng.
Lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ sau đó, song tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì và đã gia hạn 5 lần.
Tunisia hứng chịu làn sóng bạo lực kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Zine El Abidine Ben Ali hồi năm 2011.
IS đã thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu hồi năm ngoái nhằm vào Bảo tàng quốc gia Bardo ở thủ đô Tunis và một khu nghỉ dưỡng trên bờ biển khiến 59 người thiệt mạng./.