Tương lai chính trường Đức sẽ "màu nâu" hay "màu xanh"?

Nỗi lo về tương lai chính trị Đức đã hiển hiện trước khi bà Angela Merkel đưa ra tuyên bố sẽ từ Chức tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và không tái tranh cử chức Thủ tướng.
Tương lai chính trường Đức sẽ "màu nâu" hay "màu xanh"? ảnh 1Chủ tịch CSU Horst Seehofer (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Chủ tịch SPD Martin Schulz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng slate.com, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/10 tuyên bố bà sẽ từ Chức tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU - được nhắc đến với màu cam) và sẽ không tái tranh cử chức Thủ tướng Đức khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021 tới.

"Đã đến lúc mở ra một chương mới," bà giải thích, khiến giới bình luận không khỏi hoảng hốt tìm xem ai có thể thay thế nữ lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu này.

Lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm qua, không ai có thể ca thán nền chính trị Đức là tẻ nhạt.

Nỗi lo về tương lai chính trị Đức đã hiển hiện trước khi bà Merkel đưa ra tuyên bố trên. Kết quả bầu cử bang Hessen diễn ra ngày 28/10 vừa qua cho thấy CDU của bà Merkel chỉ giành được 27,9% số phiếu, giảm 10% so với kết quả bầu cử năm 2013.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD - được nhắc đến với màu đỏ) - hiện tham gia chính phủ đại liên minh với CDU và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU - được nhắc đến với màu xanh dương) - cũng mất phiếu lần này. Việc hai đảng theo đường lối ôn hòa vốn nắm vai trò chủ đạo trong chính trị Đức hàng chục năm qua chỉ đạt được tỷ lệ phiếu nhỏ nhoi đã mở đường cho những đảng đối lập nhỏ hơn.

Cộng đồng quốc tế phần lớn tập trung vào đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD - được nhắc tới với màu xanh pha đỏ) theo đường lối chống nhập cư và hồi giáo. AfD đã giành được 12% số phiếu và lần đầu tiên tham gia nghị viện bang Hesse.

Trong khi đó, đảng Xanh còn đạt được kết quả ấn tượng hơn với 19,5% số phiếu. Kết quả bầu cử ở bang Hessen gần giống với kết quả bầu cử ở bang Bavaria diễn ra hồi đầu tháng 10. Hai đảng chủ chốt CDU và SPD đều rớt phiếu, nhường “phần” cho đảng Xanh và AfD.

Lâu nay, các cuộc bầu cử bang ở Đức không mấy khi được xem là những sự kiện làm rung động đời sống chính trị đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi chính phủ của Thủ tướng Merkel càng trở nên bấp bênh hơn thì những cuộc đua cấp bang này lại được coi là “hàn thử biểu” cho kết quả bầu cử toàn quốc.

Trong bối cảnh xảy ra những bất đồng nghiêm trọng và hiện hữu giữa CDU và các đối tác liên minh về những vấn đề nhất định thì các cuộc bầu cử ở bang Bavaria và Hesse có thể là dự báo gì đó về tương lai chính trị Đức.

[Infographics] 13 năm tại vị của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Những thay đổi chính trị cuối cùng sẽ đến với Đức và những cuộc bầu cử gần đây đã chỉ rõ 3 trong số những thay đổi này. Thứ nhất, AfD đã củng cố tầm ảnh hưởng của mình trong chính trường Đức. Thứ hai, đảng Xanh nắm được cơ hội chưa từng có tiền lệ để trở thành một lực lượng có uy thế. Thứ ba, bang Bavaria, “thủ phủ” của chủ nghĩa bảo thủ của Đức, đối mặt với một tương lai bất định: lần thứ hai kể từ năm 1962, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng chị em với CDU (CDU/CSU - được nhắc đến với màu nâu), không còn là một lực lượng đa số duy nhất ở quốc hội bang Bavaria.

Những kết quả này cho thấy rõ rằng đã xuất hiện một vài lực lượng làm khuấy động nền chính trị Đức, và những lực lượng này đã giúp giải thích lý do nữ Thủ tướng lại đưa ra tuyên bố trên.

Ngoài ra, những lực lượng này cũng làm lu mờ quan niệm phổ biến hiện nay cho rằng chỉ có đảng AfD mới có thể vẽ lại bản đồ chính trị đất nước.

Kể từ năm 2015, câu chuyện khó quên nhất về nền chính trị đương đại Đức tập trung vào sự lớn mạnh đầy bất ngờ của phe cựu hữu. Nếu như chỉ vài năm trước đây, AfD chỉ được coi là một nhóm “ngoài rìa” không có tầm ảnh hưởng thì giờ đảng này lại giành được tính hợp pháp chính trị ở mức độ đáng kể.

Trong cuộc bầu cử liên bang mùa Thu năm 2017, AfD đã giành đủ số phiếu để có chân trong Quốc hội và bắt đầu lên tiếng bài dân chủ, phân biệt chủng tộc và buộc các đảng khác phải suy tính kỹ lưỡng về cách thức thành lập liên minh chính trị.

Trong khi đó, ở cấp bang, AfD dễ dàng đạt trên ngưỡng 5% cần thiết để lọt vào quốc hội bang Hesse trong cuộc bầu cử vừa qua đã cho thấy AfD giờ sẽ có mặt trong tất cả 16 nghị viện khu vực của Đức.

Thực tế này cho thấy cử tri Đức ngày càng quan tâm đến quan điểm của AfD kể từ sau cuộc khủng hoảng người nhập cư xảy ra ở châu Âu hồi năm 2015.

Tuy nhiên, không chỉ phe cực hữu đang gây sức ép lên chính trị Đức mà cả phe trung tả cũng đang có biểu hiện này. Đảng Xanh đang ngày càng làm suy yếu nhận định về sự kiểm soát không thể lung lay của các đảng chính trị lớn trong hàng chục năm qua. Đảng Xanh không chỉ tận dụng bước thụt lùi lịch sử của đảng trung tả SPD và đảng cực tả chủ đạo mà còn lấy được lòng cử tri vốn đang ngày càng bất bình với vai trò cầm quyền của bà Merkel trong 13 năm qua.

Thành công của đảng Xanh một phần là nhờ đảng này sẵn sàng kết hợp chủ nghĩa thực dụng chính trị với tinh thần hăng hái cấp tiến. Kể từ khi thành lập năm 1980, đảng này đã từng bước vượt ra khỏi cương lĩnh hoạt động của mình là thúc đẩy bảo vệ môi trường để dần đẩy mạnh hô hào giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội như phát triển lực lượng lao động và nhập cư.

Khi tầm ảnh hưởng của đảng Xanh gia tăng trong các cuộc bầu cử bang gần đây, thì điều này cho thấy chiến lược trên của đảng này dường như đem lại lợi thế, nhất là trong bối cảnh uy tín của CDU ngày giảm sút.

Về sự ổn định chính trị Đức trong thời gian tới, việc CDU và SPD hoàn toàn bại trận trong bầu cử Hesse, diễn ra chỉ 2 tuần sau bầu cử bang Bavaria với kết quả tương tự, là một chỉ dấu nữa cho thấy chính quyền “đại liên minh” của Merkel có thể trên bờ vực sụp đổ.

SPD trung tả vốn tỏ ra miễn cưỡng về việc quay trở lại tham gia liên minh chính phủ với bà Merkel, chỉ trích rằng bước thụt lùi của họ trong các cuộc bầu cử gần đây là do những nhượng bộ mà đảng này phải đưa ra để cứu vãn việc thành lập chính phủ liên minh.

Ngoài ra, đảng trung tả này cũng lo lắng về việc ai sẽ là người lãnh đạo các đối tác bảo thủ của mình một khi bà Merkel rời bỏ quyền lực. Dường như nền chính trị Đức sẽ vẫn không hề tẻ nhạt trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.