Tương lai khó đoán định của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ

Những tiến triển ít ỏi đạt được ở vòng đàm phán mới nhất giữa Canada-Mexico-Mỹ nhằm duy trì NAFTA đang khiến các bên phải “chạy đua với thời gian” khi kết thúc đàm phán vào tháng Ba tới.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại buổi họp báo. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

 Những tiến triển ít ỏi đạt được tại vòng đàm phán mới nhất giữa ba quốc gia Canada, Mexico và Mỹ nhằm duy trì Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - một trong những hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và lâu đời nhất trên thế giới - đang khiến các bên phải “chạy đua với thời gian” khi mà ba nước từng đặt “thời hạn chót” kết thúc đàm phán vào tháng Ba tới.

Trong khi đó, tới nay các bên tham gia đàm phán vẫn còn chia rẽ sâu sắc về một số vấn đề như các quy định về tỷ lệ nội địa hóa của mặt hàng ôtô, các cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng như các vấn đề khác.

Đặc biệt, một loạt yêu cầu gây tranh cãi của Mỹ, như “điều khoản hoàng hôn” cho phép NAFTA tự động hết hạn sau năm năm trừ khi được các bên nối lại, tiếp tục gây bế tắc cho cả sáu vòng đàm phán đã diễn ra; đồng thời khiến hai vòng đàm phán tiếp theo, một dự kiến ở Mexico City cuối tháng Hai này và một ở Washington vào tháng Ba tới, trở nên đặc biệt khó khăn.

Viễn cảnh NAFTA “đổ vỡ” sau 25 năm tồn tại cũng đang khiến Canada phải “tăng tốc” những nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận. Đối với kinh tế Canada, NAFTA là một hiệp định thương mại rất quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất.

Như chính Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thừa nhận: “Nền kinh tế của chúng ta phát triển trong suốt 25 năm qua nhờ có NAFTA.”

Chỉ cần đưa ra con số 75% kim ngạch xuất khẩu của Canada, tương đương 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, là sang thị trường Mỹ, cũng đủ nói lên tất cả.

Không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế, thị trường việc làm tại Canada cũng chịu tác động mạnh khi ước tính Canada sẽ mất trên 1,2 triệu việc làm trong năm năm đầu tiên khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận và tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Canada.

[Canada khẳng định sẵn sàng rút khỏi NAFTA nếu đàm phán thất bại]

Nhất là khi hơn 25% số công ty Canada đang cân nhắc chuyển trụ sở sang Mỹ trong trường hợp đàm phán NAFTA thất bại.

Mặc dù Canada đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước khác, song Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất.

Mỹ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Canada với kim ngạch song phương đạt gần 508 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Canada xuất sang Mỹ 298 tỷ USD và nhập về 210 tỷ USD.

Có thể nói, Canada không thể đủ khả năng để ngừng giao dịch với Mỹ, đồng thời cũng rất lo ngại sự tác động của việc giảm thương mại hoặc sự sụt giảm trong nền kinh tế Mỹ, như lời Thủ tướng Trudeau: “Khi bạn hắt hơi, chúng tôi sẽ bị cảm lạnh.”

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland từng tuyên bố khi kết thúc vòng tái đàm phán thứ sáu cuối tháng Một vừa qua, rằng Canada sẽ tiếp tục làm việc chủ động, tích cực với các đối tác để tìm kiếm “giải pháp cùng thắng” cho các bên.

Trước hai vòng đàm phán quyết định cuối cùng, Thủ tướng Trudeau cũng đã cử hàng chục quan chức đương nhiệm và về hưu, gồm các bộ trưởng, cựu bộ trưởng, cố vấn, giới chức chính quyền các tỉnh tăng cường giao lưu, kết nối và làm việc với các cấp chính quyền Mỹ để tạo thành mạng lưới gắn kết lợi ích chặt chẽ giữa hai bên.

Đích thân Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng vừa có chuyến công du lần thứ 15 tới Mỹ kể từ khi trở thành người đứng đầu chính phủ nước này, với một trọng trách nặng nề được ông đặt ra là “cứu NAFTA.”

Tới ba thành phố có ảnh hưởng lớn đến NAFTA là Chicago, San Francisco và Los Angeles, chuyến đi này của Thủ tướng Trudeau được xem là cuộc vận động hành lang ngoài Washington, nhằm tác động tới những giới có ảnh hưởng - các nghị sỹ, thống đốc bang, thị trưởng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ - những người có thể chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump ý kiến về lợi ích của NAFTA cũng như những tổn thất nếu mất đi hiệp định này.

Tuy nhiên, tại Mỹ, Thủ tướng Trudeau cũng thể hiện sự cứng rắn khi khẳng định rằng Canada sẵn sàng rút khỏi NAFTA nếu đàm phán lại không đạt được một thỏa thuận mà ông có thể chấp nhận được.

Thủ tướng Canada tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không gượng ép chấp nhận bất kỳ thỏa thuận cũ nào, và với Canada việc không đạt được thỏa thuận nào còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi.”

Theo các nhà quan sát, tuyên bố cứng rắn này của Thủ tướng Trudeau cũng là chiến lược đàm phán thương mại tự do của Chính phủ Canada. Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Trudeau tuyên bố như vậy.

Trước đó, ngay trước thềm chuyến đi Mỹ, ngày 2/2 vừa qua, tại một cuộc họp ở British Columbia, Thủ tướng Trudeau cũng khẳng định rằng Canada sẵn sàng từ bỏ NAFTA nếu Mỹ đưa ra một thỏa thuận tồi tệ, và rằng, Canada không muốn bị Mỹ chèn ép.

Trong khi đó, cho tới nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nhượng bộ trong vấn đề NAFTA, bởi lâu nay ông chủ Nhà Trắng thường xuyên chỉ trích NAFTA và đã nhiều lần lên tiếng đe dọa xé bỏ vì cho rằng đây là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất” trong lịch sử Mỹ và là nguyên nhân khiến việc làm tại ngành sản xuất Mỹ biến mất.

Thậm chí, với nhiều người Mỹ, “NAFTA là viết tắt cho việc đóng cửa nhà máy,” bởi vậy “hầu hết những người lao động bị sa thải sẽ vui mừng nếu NAFTA bị xé bỏ.”

Về phần Mexico, nước này đã khẳng định sẵn sàng rút khỏi NAFTA nếu đây không phải thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên.

Tất cả những gì diễn ra dự báo hai vòng đàm phán NAFTA sắp tới sẽ còn nhiều sóng gió.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đến hai tháng nữa là chiến dịch bầu cử tổng thống của Mexico sẽ bắt đầu và bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra cuối năm nay, nếu ba nước thành viên không đạt được tiến triển trong một vài tuần tới để có thể hướng đến một hiệp định NAFTA được hiện đại hóa, tương lai của NAFTA thật khó đoán định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục