Tương lai mạng 5G ở châu Âu sau khi Anh "quay lưng" với Huawei

Từ đầu năm 2021, Chính phủ Anh sẽ cấm mua thiết bị của Huawei, tất cả các trang thiết bị có mang nhãn hiệu Huawei đã được cài đặt tại Anh từ gần 20 năm qua sẽ phải được dỡ bỏ trước năm 2027.
Tương lai mạng 5G ở châu Âu sau khi Anh "quay lưng" với Huawei ảnh 1Mạng điện thoại 5G được giới thiệu tại London, Anh, ngày 28/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ là quốc gia đầu tiên thúc đẩy chiến dịch mạnh mẽ chống lại Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc. Các chính trị gia và quan chức Mỹ từ lâu đã thể hiện mối lo ngại rằng việc các mạng di động dựa vào thiết bị của Huawei có thể cho phép Trung Quốc thu thập thông tin.

Tháng 5/2019, viện dẫn các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran, những cáo buộc mà Huawei bác bỏ, Mỹ đã sử dụng các quyền cho phép ngăn chặn chuyển giao công nghệ quân sự để cản trở việc Huawei nhận được các linh kiện của Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với các hệ thống mà công ty này bán.

Những biện pháp đó vẫn có những kẽ hở, các nhà cung cấp có thể tiếp tục bán cho Huawei nhiều linh kiện miễn là những linh kiện này được sản xuất tại các cơ sở bên ngoài nước Mỹ.

Vì vậy, năm 2020, Mỹ đã nhắm vào toàn bộ chuỗi cung ứng. Kể từ tháng 9/2020, Mỹ ngăn các công ty trên toàn thế giới sử dụng phần mềm hoặc phần cứng có nguồn gốc từ Mỹ để sản xuất các linh kiện cung cấp cho Huawei. Động thái này là một đòn giáng mạnh đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.

Quyết định chính trị của Anh

Những tưởng Huawei đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” khi Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tháng Một năm nay phê chuẩn việc cho phép Huawei tham gia vào hạ tầng mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) của Anh với những điều kiện nhất định.

Mạng 5G đem lại triển vọng của một loại băng thông di động nhanh hơn, tiện lợi hơn, là nền tảng của các ứng dụng Internet hoàn toàn mới và có thể là điều kiện cần thiết cho các xe tự lái.

Anh dự định sẽ áp dụng các quy trình hiện có để giám sát vai trò của Huawei trong hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, cho phép thiết bị của Huawei có thể được sử dụng trong các bộ phận “không cốt lõi” của hệ thống mạng với tỷ lệ tham gia không được vượt ngưỡng 35%. Nhờ vậy, Anh có thể đưa hệ thống 5G của mình vào hoạt động sớm hơn và với giá thành rẻ hơn.

[Anh loại Huawei ra khỏi mạng 5G: Căng thẳng chiến lược Anh-Trung?]

Quyết định này không giành được sự ủng hộ của cả Nhà Trắng và một bộ phận quan trọng trong Đảng Bảo thủ của ông Johnson. Chính trị nội bộ là lý do thứ hai khiến Chính phủ của ông Johnson thay đổi ý kiến về Huawei, như phân tích của chuyên gia Nick Witney thuộc Viện Quan hệ Quốc tế châu Âu.

Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ tạo ra một lý do chính đáng cho việc thay đổi quyết định của Anh. Chính phủ Anh nói rằng sự hỗn loạn không thể tránh khỏi đối với chuỗi cung ứng của Huawei khiến việc dựa vào công ty này trở nên rủi ro hơn.

Huawei một khi bị cấm dùng linh kiện của Mỹ sẽ phải cầu viện đến những nguồn cung cấp khác, những “công nghệ khác không đáng tin cậy,” đó là một vấn đề đối với an ninh của nước Anh, như Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Oliver Dowden ghi nhận.

Ngày 14/7, London viện lý do an ninh chính thức thông báo loại bỏ Huawei ra khỏi mạng viễn thông thế hệ mới 5G.

Từ đầu năm 2021, Chính phủ Anh sẽ cấm mua thiết bị của Huawei. Tất cả các trang thiết bị có mang nhãn hiệu Huawei đã được cài đặt tại Anh từ gần 20 năm qua sẽ phải được dỡ bỏ trước năm 2027.

Trước đó, Bộ trưởng Oliver Dowden cho biết, đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo - năm 2024, nước Anh sẽ trên “một con đường không thể đảo ngược” loại bỏ công ty Trung Quốc này ra khỏi các hệ thống mạng của mình.

Tổng thống Donald Trump ngay lập tức nhận được sự tín nhiệm vì đã “thuyết phục được nhiều quốc gia” không sử dụng Huawei. Australia đã cấm thiết bị 5G của Huawei vào năm 2018.

Hồi tháng Sáu, các công ty viễn thông ở Canada và Singapore đã công bố kế hoạch xây dựng mạng 5G dựa trên các thiết bị được cung cấp bởi các đối thủ chính của Huawei là Ericsson, một công ty Thụy Điển, và Nokia, một công ty Phần Lan. Trong cả hai trường hợp, Huawei trước đây đều là nhà cung cấp tiềm năng. 

Mảnh domino cuối cùng

Giờ đây mọi ánh mắt đều đổ dồn về Đức, quốc gia nói rằng sẽ quyết định vấn đề này vào mùa Thu năm nay. Nếu Đức đi theo sự thúc giục của Mỹ và tấm gương của Anh, thì phần còn lại của EU có thể sẽ đi con đường tương tự và một bước ngoặt quan trọng sẽ diễn ra. Các hệ thống thông tin liên lạc của phương Tây sẽ ít an toàn hơn một chút.

Mỹ đã sử dụng sức mạnh chủ quyền của mình để “trói tay” một trong những “cánh chim đầu đàn” của Trung Quốc và Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả.

Mạng 5G đã trở thành biểu tượng của một tương lai kết nối mạng sẽ bị kiểm soát, bởi một tập hợp các quốc gia không muốn làm phật lòng nước Mỹ và sẵn sàng đối phó với một Trung Quốc mà họ thấy ngày càng đáng lo ngại.

Sự thay đổi như vậy cho thấy các chính phủ không muốn nguồn cung cấp trong lĩnh vực chiến lược phụ thuộc vào các công ty đến từ những quốc gia theo đuổi lợi ích khác họ.

Tương lai mạng 5G ở châu Âu sau khi Anh "quay lưng" với Huawei ảnh 2Mạng điện thoại 5G được giới thiệu tại London, Anh, ngày 28/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Trung tâm của vấn đề này là một tình thế nan giải mà phương Tây chưa từng phải đối mặt, đó là làm thế nào để đối phó với một siêu cường công nghệ mà các giá trị của siêu cường này cơ bản trái ngược với các giá trị của chính chúng ta”, theo nhận định của Robert Hannigan, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ).

Đức chưa quyết định dứt khoát vấn đề này. Deutsche Telekom (DT), một công ty mà nhà nước nắm giữ 32% cổ phần và là nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Đức, đã phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị của Huawei.

Công ty này đã vận động mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành động nào có thể tác động đến quá trình triển khai mạng 5G. Bộ Kinh tế, thường nhiệt tình bảo vệ các lợi ích của ngành công nghiệp Đức, đã ủng hộ công ty này.

Tuy nhiên, giống như đảng Bảo thủ ở Anh, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel cũng chia rẽ về vấn đề này. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh đối lập cũng phản đối việc để Huawei tham gia vào mạng 5G.

“Nếu có một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày hôm nay, Huawei sẽ thua” đó là nhận định của Thorsten Benner thuộc Viện Chính sách công toàn cầu, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Berlin.

Bà Merkel cho đến nay vẫn thận trọng. Thủ tướng Đức nói rằng bà không muốn loại bỏ một công ty trên cơ sở quốc tịch và bất kỳ công ty nào tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật nhất định đều được phép bán sản phẩm tại Đức.

Cuối năm 2019, đại sứ Trung Quốc tại Berlin đã đe dọa trả đũa các công ty Đức nếu Chính phủ Đức loại bỏ Huawei khỏi các kế hoạch xây dựng mạng 5G và những người trong cuộc nói rằng Thủ tướng Đức xem xét lời đe dọa này một cách nghiêm túc.

Trong khi đó, DT dự định cung cấp các dịch vụ 5G cơ bản cho 40 triệu người Đức vào cuối tháng này bằng cách sử dụng thiết bị của cả Huawei và Ericsson, mặc dù người dùng sẽ thấy có rất ít lợi ích trong giai đoạn này. Công ty này cũng đã quyết định tăng cường hợp tác với công ty Trung Quốc về điện toán đám mây và các lĩnh vực khác.

Những "gã khổng lồ" bị suy yếu

Bỏ lỡ “chuyến tàu” phát triển công nghệ tiêu dùng, châu Âu vẫn nuối tiếc việc họ không có các công ty như Google hay Amazon. Các chính trị gia châu Âu sợ bị tụt hậu hơn nữa nếu trì hoãn việc triển khai mạng 5G và những điều kỳ diệu khác mà công nghệ này hỗ trợ như “Internet vạn vật.”

Các nhà mạng di động cường điệu hóa những lo ngại này với mục đích giữ mối quan hệ với Huawei hoặc nhận được một số hình thức bồi thường nếu họ bị cấm. Bằng cách kết hợp những tổn thất trực tiếp với ước tính GDP bị mất, họ lập luận rằng việc loại bỏ Huawei sẽ khiến lục địa này mất hàng chục tỷ euro.

Các nhà quản lý và quan sát viên độc lập không tin vào kịch bản này. Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh Oliver Dowden ước tính việc loại Huawei ra khỏi công nghệ 5G có nghĩa là Anh sẽ chậm trễ trong việc triển khai mạng viễn thông đời mới khoảng 2-3 năm và tốn kém phụ trội ước tính lên tới khoảng 2 tỷ bảng Anh.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Strand Consulting cho rằng chi phí cho việc không sử dụng thiết bị của Huawei sẽ khá khiêm tốn đối với toàn bộ châu Âu, do hệ thống 4G của châu Âu đã cũ kỹ và cần sớm thay thế. Trung tâm nghiên cứu này ước tính tổng cộng thiệt hại khoảng 3,5 tỷ USD, chưa đến 7 USD đối với mỗi khách hàng sử dụng di động.

EU đã thất bại trong việc tạo ra một thị trường số duy nhất, một nhà mạng ở Ba Lan không thể bán dịch vụ cho một khách hàng ở Thụy Điển giống như cách Verizon có trụ sở ở New York cung cấp dịch vụ cho người dân California.

Vì vậy, trong khi Trung Quốc và Mỹ, mỗi nước có ba nhà mạng, châu Âu có hơn 100 nhà mạng. Ở một số thị trường, chẳng hạn như Bỉ, Đức và Ba Lan, các công ty địa phương phụ thuộc rất nhiều vào Huawei.

Trong khi đó, các công ty ở Phần Lan, Ireland và Tây Ban Nha sẽ phải chịu chi phí thấp hơn nhiều nếu buộc phải thực hiện việc chuyển đổi hệ thống.

Đa dạng nhà mạng là một nhiệm vụ chính sách của EU. Không có một khuôn khổ rộng khắp lục địa cho phép cạnh tranh ở các thị trường xa xôi, các công ty viễn thông cũng không thể hợp nhất tại nước mình. Ủy ban châu Âu (EC) muốn có 4 nhà cung cấp ở mỗi thị trường bởi cạnh tranh mang đến những lựa chọn tốt cho khách hàng.

Ở châu Âu, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng điện thoại di động chưa đến 15 euro (17 USD) một tháng. Người dùng Mỹ trung bình trả nhiều hơn gấp đôi. Công ty dữ liệu Rewheel cho biết, gói dữ liệu không giới hạn rẻ nhất ở Mỹ có giá 74 euro một tháng. Con số này ở Đức là 40 euro và ở Anh là 22 euro.

Đối với các nhà mạng, mức độ cạnh tranh khốc liệt này, cùng với chi phí cao của các thị trường tương đối nhỏ và không vững chắc, tạo ra một lực cản nghiêm trọng. Một số nhà mạng, như BT và Vodafone của Anh, có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn thấp hơn cả chi phí vốn. 

Emmet Kelly, thuộc ngân hàng Morgan Stanley, chỉ ra rằng vốn hóa thị trường của các nhà mạng lớn ở châu Âu đã giảm từ mức trên 1.000 tỷ euro vào tháng 6/2000 xuống còn 258 tỷ euro vào tháng 6/2020, tức là mất 81% theo giá trị thực. Nhà mạng Telefonica của Tây Ban Nha và Orange của Pháp, từng là những “người khổng lồ,” bây giờ không hơn mấy “con săn sắt.”

Các nhà mạng di động từ lâu đã phàn nàn với EC rằng tỷ suất lợi nhuận thấp khiến các nhà đầu tư ngần ngại và do đó các công ty không có vốn để nâng cấp hệ thống mạng 5G và kết quả là châu Âu sẽ tụt hậu so với các nước khác.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào mạng 5G và Mỹ muốn bắt kịp. Tổng thống Trump đã gọi 5G là “cuộc đua mà nước Mỹ phải giành chiến thắng.”

Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động toàn cầu (GSMA) cho biết, vào năm 2025, một nửa số người dùng di động ở Mỹ và các nước giàu hơn ở châu Á (bao gồm cả Trung Quốc) sẽ sử dụng mạng 5G, so với mức chỉ 1/3 ở châu Âu.

Lệnh cấm Huawei có thể kích thích “thỏa thuận mới” mà các nhà mạng kỳ vọng. Những nước mà chính phủ nhận ra rằng các chính sách của họ đang làm trì hoãn và tăng chi phí của kế hoạch phát triển 5G có thể tìm cách nới lỏng các hạn chế đối với việc sáp nhập doanh nghiệp.

Sự phân bổ các dịch vụ di động ở châu Âu thường được thực hiện thông qua đấu giá để tối đa hóa doanh thu, có thể được bãi bỏ như ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Vấn đề "chủ quyền kỹ thuật số” của châu Âu

Trong khi chờ một quyết định như vậy, các nhà phân tích cho rằng mạng 5G sẽ bị triển khai chậm hơn so với mạng 4G trước đây.

Các cuộc đấu giá phân bổ 5G trong năm nay ở Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19. Nếu thực sự có một cuộc đua phát triển mạng 5G, không nhất thiết những người xuất phát nhanh nhất sẽ giành chiến thắng.

Các dịch vụ được cung cấp cho đến nay hầu hết chỉ là phiên bản 4G nhanh hơn. Khía cạnh mang tính cách mạng nhất của công nghệ 5G là cách thức mạng viễn thông thế hệ mới này thích ứng với các sử dụng nhu cầu cụ thể, nhưng tiến trình này sẽ cần nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động.

Việc triển khai mạng 5G chậm hơn cũng có thể giúp giảm áp lực đối với Ericsson và Nokia. Hai công ty Bắc Âu này rõ ràng hưởng lợi từ việc các nước quay lưng lại với Huawei, ngay cả khi nhiều khả năng họ sẽ mất doanh thu bán hàng tại Trung Quốc.

Vấn đề ở đây là liệu hai công ty này có thể nắm bắt được những lợi thế vào thời điểm này hay không. Các công ty này hiện hưởng sự độc quyền ở Mỹ. Một số nhà mạng đặt câu hỏi liệu Ericsson và Nokia có thể đáp ứng những yêu cầu của một châu Âu không có Huawei hay không.

Thực tế là với chuỗi cung ứng thiết bị điện tử như hiện tại, việc sử dụng hệ thống của châu Âu vẫn có nghĩa là phần lớn thiết bị đến từ Trung Quốc.

Dần dần số lượng nhà cung cấp thiết bị viễn thông sẽ tăng lên. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, một quốc gia "tận tụy" với 5G, đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện. Ngày 15/7, tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ đã thông báo rằng nhà mạng Jio của họ, công ty sử dụng hệ thống 4G của Samsung, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của riêng mình và sẽ bán cho các công ty khác.

Jio có thể sẽ theo bước của một số nhà mạng khác, đặc biệt là Rakuten Mobile tại Nhật Bản, đặt cược vào các mạng viễn thông dựa trên phần mềm tiên tiến, phần cứng sẵn có và các tiêu chuẩn mở, do đó tránh được yêu cầu phải có sự tích hợp hệ thống như của Ericsson, Huawei hoặc Nokia. Mặc dù vậy, còn nhiều năm nữa, nền tảng này mới có thể triển khai rộng rãi.

Việc Trung Quốc trả đũa các quốc gia loại bỏ Huawei được dự báo là sẽ xảy ra sớm. Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều từ châu Âu, với Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong EU. Trung Quốc cũng đầu tư khá nhiều vào lục địa này.

Vào ngày Anh thông báo loại bỏ Huawei, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã viết trên Twitter rằng đó là quyết định “đáng thất vọng và sai lầm”. Trung Quốc đang mô tả quyết định đó là một "sự đầu hàng vô căn cứ" trước áp lực chống Trung Quốc từ Mỹ và nói rằng nước này nghi ngờ sự an toàn của các khoản đầu tư (rất nhiều và đa dạng) của Trung Quốc vào Anh.

Tuy nhiên, châu Âu không nhìn Trung Quốc chỉ qua lăng kính thương mại. Năm ngoái, các nhà lãnh đạo EU đã xác định Trung Quốc là “đối thủ hệ thống.”

Kể từ đó, EU đã và đang làm việc để hạn chế hoạt động tại châu Âu của các tập đoàn có sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc.

Điều đó cũng không có nghĩa là nước Đức, hay toàn bộ châu Âu, sẽ nhất thiết loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei. Mối quan hệ với Trung Quốc cũng có ý nghĩa quan trọng với châu Âu và quan trọng là châu Âu không thích bị Mỹ điều khiển.

Các nhà hoạch định chính sách ở lục địa này từ lâu đã tức giận với cơ chế tài chính cho phép Chính quyền Mỹ trừng phạt các công ty châu Âu bằng cách gây sức ép đối với các ngân hàng mà các công ty đó hợp tác làm ăn.

Mặt khác, châu Âu cũng không muốn cơ sở hạ tầng Internet của mình bị kiểm soát bởi một bên thứ ba mà theo thời gian bên đó có thể sử dụng quyền kiểm soát đó để chống lại châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist vào tháng 11/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phàn nàn về việc châu Âu phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ Mỹ. Đồng thời, ông gọi việc phát triển 5G là “vấn đề chủ quyền” và nói thêm rằng “một số thành phần (của mạng 5G) phải là của châu Âu.”

Điều đó không loại bỏ hoàn toàn mọi vai trò của Huawei, nhưng những phát triển sau đó đã đẩy lục địa này đi xa hơn theo hướng "quay lưng" với tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Áp lực của Mỹ có thể sẽ khiến châu Âu có cái nhìn quyết đoán hơn về “chủ quyền kỹ thuật số” của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục