Tương lai nào cho đối thoại giữa Donald Trump và Kim Jong-un?

Mặc dù Triều Tiên về lý thuyết đã tham gia các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ cùng lúc, song cuộc đối thoại với Mỹ là quan trọng hơn cả vào thời điểm này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, xét trên khía cạnh lợi thế của Bình Nhưỡng vào lúc này, mọi thứ có vẻ đang rất ảm đạm.

Mặc dù Triều Tiên về lý thuyết đã tham gia các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ cùng lúc, song cuộc đối thoại với Mỹ là quan trọng hơn cả vào thời điểm này.

Sau tất cả, như đánh giá trước đây của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, nếu không có tiến triển trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, sẽ không có nhiều hiệu quả thực chất xảy ra giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Chính phủ hai nước đều muốn xúc tiến những trao đổi kinh tế, song không động thái nào có thể xảy ra chừng nào Mỹ và Triều Tiên chưa thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Cho đến giờ, dường như đường lối nhất quán của mỗi bên vẫn còn rất mơ hồ. Tuy vậy, cả Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều muốn tiếp tục đối thoại. Triều Tiên muốn đẩy mạnh tiến trình đàm phán, bất chấp những gì đã xảy ra ở Hà Nội, và chế độ của ông vẫn coi việc tập trung vào cá nhân ông Trump là một chiến lược hiệu quả nhất.

Ngày 15/3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choi Son Hui đã ra một tuyên bố mang đậm chất Triều Tiên, trong đó đề cập đến việc ông Kim Jong-un đang “cân nhắc” có nên tiếp tục đàm phán với Mỹ hay không - một phép thử mà Bình Nhưỡng dùng để thăm dò sự phản ứng của dư luận toàn cầu.

Thứ trưởng Choi Son Hui đe dọa rằng Triều Tiên có thể rút khỏi các cuộc đối thoại nếu Mỹ không nhất trí với cái mà Triều Tiên coi là những biện pháp tương ứng - ít nhất là dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để đổi đấy việc họ tạm ngừng thử tên lửa và hạt nhân.

Vài ngày sau đó, Triều Tiên rút các nhân viên khỏi văn phòng liên lạc liên Triều. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một tín hiệu xấu. Thế nhưng, vài ngày sau, chính những người này lại quay về văn phòng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Ông Trump đã nhận ra vấn đề, rút lại các lệnh trừng phạt đã áp đặt với hai công ty vận tải Trung Quốc vì vi phạm các lệnh trừng phạt. Trong một động thái thiếu tính toán đáng chú ý - cũng là một trong số nhiều động thái khác tương tự rải rác suốt tiến trình này, ông Trump đã ra lệnh dỡ bỏ trừng phạt. Như vậy, cả ông Trump và Triều Tiên đều đang ra hiệu rằng họ vẫn muốn tiếp tục đối thoại.

Những lời lẽ trong tuyên bố hồi giữa tháng 3/2019 của bà Choi Son Hui quan trọng hơn là giọng điệu của nó - vốn chỉ là cách các quan chức Triều Tiên vẫn đưa ra các tuyên bố.

[Mỹ hy vọng Triều Tiên đánh giá về sự đúng đắn của phi hạt nhân hóa]

Bà Choi Son Hui đã chỉ rõ rằng không phải Tổng thống Trump hay Triều Tiên mâu thuẫn gì, mà chính các cố vấn của ông Trump mới là những người thiếu thiện chí, đặc biệt là ông John Bolton. Đây có lẽ là thông điệp chính của tuyên bố, cũng là một phần trong chiến lược lâu nay của Triều Tiên là nhấn mạnh sự tôn trọng của nước này với cá nhân ông Trump, và giống như Mỹ, Triều Tiên luôn đề cao mối quan hệ cá nhân giữa ông Kim Jong-un và ông Trump. Vì vậy, giống như nhận định của một phóng viên AP từ thực địa, không phải là Triều Tiên không muốn tiếp tục đối thoại. Họ chỉ muốn đối thoại với Tổng thống Trump chứ không phải bất kỳ ai khác.

Tương lai nào cho đối thoại giữa Donald Trump và Kim Jong-un? ảnh 1Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phía trước) thị sát một công trình xây dựng tại huyện Samjiyon, tỉnh Ryanggang, nơi sinh của cha ông, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, ngày 4/4/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Như tất cả chúng ta đều biết, những tuyên bố này có thể chỉ là một phần trong chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm đề cao ông Trump như một “người thiện chí” thực sự muốn hợp tác với ông Trump song lại bị các cấp dưới có chủ trương hiếu chiến thao túng. Mặt khác, đây cũng có thể là một phần trong vòng xoáy trở lại với “bão lửa và thịnh nộ” sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội.

Chúng ta hẳn sẽ chứng kiến những giai đoạn gập ghềnh trước mắt sau sự kiện này. Các hội nghị thượng đỉnh sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều nếu như lập trường đàm phán của hai nước vẫn chưa thể nhất quán.

Trái ngược với tuyên bố của bà Choi Son Hui, yêu cầu của Triều Tiên về việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt áp dụng từ năm 2016 chẳng khác nào đòi hỏi tất cả các lệnh trừng phạt cốt yếu được hủy bỏ hết, bởi chỉ những trừng phạt gây áp lực kinh tế toàn câu lên Triều Tiên mới thực sự có tác động mạnh. Sự đòi hỏi lớn này có thể là cách Triều Tiên khéo léo bố trí những đòi hỏi lớn khác để kéo dài thời gian. Ngoài ra, nó cũng cho thấy Triều Tiên muốn điều gì đó thực chất hơn từ phía Mỹ.

Về phần mình, chính quyền Tổng thống Trump đã quay trở lại với quan điểm mà họ dường như đã từ bỏ trước khi tới Hà Nội: phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức thì mới dỡ bỏ trừng phạt. Và nếu đây tiếp tục là những lập trường đàm phán của Washington và Bình Nhưỡng, thì dù các hội nghị thượng đỉnh mà họ tổ chức có hào nhoáng thế nào thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cả hai đều muốn tiếp tục đối thoại, và chắc chắn đều chừa không gian để linh động với các yêu cầu của bên kia. Cái khó bây giờ là không ai biết chính xác vấn đề cốt lõi nằm ở đâu, và đó mới chính là câu hỏi mấu chốt cần tìm câu trả lời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.