Theo trang mạng nationalinterest.org, có hai giả thiết về việc tại sao Triều Tiên hiện muốn đàm phán với Mỹ thay vì theo đuổi các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Trước hết, đó có thể là do “áp lực tối đa” từ các đòn trừng phạt của Tổng thống Donald Trump khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un buộc phải nhượng bộ. Trong trường hợp này, ông Kim Jong-un sẽ tìm cách đàm phán về những điều khoản liên quan tới sự “đầu hàng” của mình.
Giả thuyết thứ hai là ông Kim Jong-un nhận thấy mình đã ở vào thế bí sau khi thể hiện rằng các tên lửa của Triều Tiên hoàn toàn có thể tấn công mọi mục tiêu trên đất Mỹ, và nhà lãnh đạo Triều Tiên đang đề xuất với Mỹ một lối thoát cũng như cách để hai bên hạn chế thiệt hại.
Thực tế, việc thiếu những thông tin xác thực về tình hình nội bộ Triều Tiên khiến cách duy nhất để người ta biết giả thiết nào đúng chỉ là chờ xem hai bên sẽ đưa những gì lên bàn đàm phán. Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội đã thể hiện rõ điều này.
Báo cáo của Liên hợp quốc về tác dụng của các đòn trừng phạt càng khiến mọi chuyện trở nên thuyết phục hơn. Rõ ràng, “áp lực tối đa” đã không thể khuất phục Triều Tiên.
Từ lâu chính sách của Mỹ vẫn dựa trên lý thuyết cho rằng những đòn trừng phạt bao vây và cấm vận cuối cùng sẽ buộc Triều Tiên phải đầu hàng và giao nộp vũ khí. Suy nghĩ này đã khiến Mỹ cho rằng với việc gia tăng “áp lực tối đa,” họ có thể nhanh chóng khiến ông Kim Jong-un nhượng bộ và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được nới lỏng trừng phạt. Điều đó, đáng tiếc, đã không diễn ra tại Hà Nội.
Thay vào đó, cuộc họp báo sau hội nghị cho thấy ông Kim Jong-un mới là người đưa ra những điều kiện. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi không hề đưa ra bất kỳ đề xuất nào liên quan tới kho vũ khí hạt nhân mà chỉ hứa hẹn ngừng việc phát triển chương trình vũ khí bằng cách giải giáp nguồn cung nguyên liệu hạt nhân chính và dừng các cuộc thử nhiệm.
Đổi lại, ông Kim Jong-un muốn Liên hợp quốc dỡ bỏ các đòn trừng phạt được áp đặt sau vụ thử hạt nhân thứ 4 vào năm 2016. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã tái khẳng định đó là những đề xuất cuối cùng trong hội nghị mà ông Kim Jong-un đưa ra.
Triều Tiên đã thể hiện một thái độ tự tin và bạo dạn, phù hợp với giả thuyết rằng họ không phải đã bị đẩy đến bước đường cùng và phải đầu hàng.
Thứ trưởng Ngoại giao Choi Sun-hui thậm chí còn cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ tái khởi động các cuộc thử nghiệm vũ khí nếu Mỹ không nhanh chóng chớp lấy cơ hội này. Bà thậm chí còn nhấn mạnh tới tối hậu thư ấy trong một cuộc họp báo hiếm hoi diễn ra vài tuần sau đó.
[Triều Tiên triển khai chiến tranh tâm lý với Mỹ?]
Tất nhiên, cũng có thể Triều Tiên chỉ đang giả vờ. Có thể quốc gia này đang thực sự khó khăn, và đề xuất kể trên là nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm một thỏa thuận giúp Triều Tiên giữ gìn thể diện. Tuy nhiên, nhìn vào phương diện lịch sử, Mỹ thường rút bớt những đề xuất của mình khi cho rằng Triều Tiên đã ở bước đường cùng. Tất cả những lần Mỹ từ bỏ việc theo đuổi thỏa thuận, kết quả sẽ là Triều Tiên lại đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình.
Vậy Mỹ còn bao nhiêu cơ hội? Triều Tiên thể hiện rằng họ đã có thể tạo ra những quả bom với sức công phá lớn gấp 10 lần quả bom Mỹ từng thả xuống Hiroshima. Nếu các vòng đàm phán lại đổ vỡ, Triều Tiên rất có thể sẽ hoàn thiện việc chế tạo và sản xuất loại vũ khí này, đó là chưa kể đến chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (cụ thể là hoàn thiện lớp vỏ giúp tên lửa quay trở lại quỹ đạo Trái Đất an toàn).
Một số nhà bình luận cho rằng việc ông Kim Jong-un yêu cầu được dỡ bỏ trừng phạt trong hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội là bằng chứng cho thấy họ đang nỗ lực và có thiện chí. Sẽ là sai lầm khi cho rằng việc dồn những đau khổ cho người dân Triều Tiên là cách hiệu quả để thuyết phục chế độ Triều Tiên giải giáp.
Báo cáo của Ban Chuyên gia Liên hợp quốc 2019 về các đòn trừng phạt càng chứng minh thực tế khả năng của Kim Jong-un trong việc “lách” khỏi các lệnh cấm vận nhất là trong những lĩnh vực Triều Tiên ưu tiên.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc loại Triều Tiên khỏi các hoạt động thương mại hợp pháp càng khiến quốc gia này tăng cường các hoạt động ngoài vòng pháp luật để bù đắp thiệt hại, chẳng hạn như thực hiện các vụ tấn công an ning mạng nhằm vào ngân hàng nước ngoài hay cướp các tàu chở hàng.
“Áp lực tối đa” không thể khuất phục Triều Tiên cũng là bởi quốc gia này vẫn duy trì vị thế thậm chí còn mạnh mẽ hơn những gì từng diễn ra sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những năm phát triển bùng nổ về thương mại đã giúp Triều Tiên hồi phục sau cuộc khủng hoảng Xôviết và có thể phát triển thị trường cũng như các ngành công nghiệp nội địa.
Xét cho cùng, ông Tập Cận Bình không có mấy lý do để áp đặt trừng phạt với Triều Tiên nhất là khi ông Trump kích động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc và chỉ rõ quốc gia này là đối thủ chiến lược trong Chiến lược An ninh Quốc gia với lập trường “Nước Mỹ trước tiên” của mình. Trung Quốc dường như sẽ được lợi nhiều hơn trong việc giúp Triều Tiên có được một hiệp ước hòa bình với Mỹ, thực tế có thể giảm thiểu những bất ổn ngay ở cửa ngõ tiếp giáp bán đảo Triều Tiên.
Chính sách “gây áp lực tối đa và hứa hẹn” của ông Trump được tiến hành với mục đích tối đa hóa ảnh hưởng của Mỹ trước khi bước vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Chính sách này có thể không đủ để khuất phục Triều Tiên song đảm bảo rằng Mỹ vẫn có một lựa chọn tốt để có thể nỗ lực giải quyết hoàn toàn vấn đề. Tuy nhiên, việc bỏ lỡ cơ hội này khiến mọi chuyện trở nên vô nghĩa.
Hai bên đều đang chỉ trích đối phương vì không thúc đẩy được thỏa thuận tại Hà Nội. Nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, Mỹ sẽ lại bị đẩy đến trước nguy cơ leo thang xung đột với một cường quốc hạt nhân luôn không ngừng kêu gọi hòa bình. Việc kích động một cuộc chiến hạt nhân để trừng phạt Triều Tiên vì phát triển năng lực hạt nhân là điều cực kỳ vô nghĩa.
Một cuộc tấn công “trực diện” vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cũng không thể giải quyết vấn đề.
Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair từng cảnh báo: “Với những đường hầm mà họ đã xây dựng cùng những thách thức trong việc vận hành mạng lưới tình báo tại quốc gia này, tôi không cho rằng một cuộc tấn công phối hợp giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể đủ sức triệt hạ năng lực hạt nhân (của Triều Tiên)."
Không có thỏa thuận, và cũng không có giải pháp quân sự khả thi, Mỹ đang đứng trước nguy cơ quay trở lại chính sách “kiên nhẫn chiến lược” dưới thời Barack Obama. Điều này khiến Mỹ “buông xuôi” và chờ tới khi Triều Tiên tự đầu hàng, hoặc tới khi chính quyền tiếp theo chấp nhận thực tế và để Kim tự do hoàn thiện vũ khí của mình.
Nếu các đòn trừng phạt không đủ để buộc Triều Tiên phải giải giáp thì về cơ bản những đề xuất được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội không có gì sai.
Ông Kim Jong-un đã đề xuất những biện pháp có kiểm chứng, theo đó có thể trực tiếp củng cố an ninh quốc gia cho Mỹ bằng cách đình chỉ chương trình phát triển kho vũ khí hạt nhân. Yêu cầu về dỡ bỏ một phần các đòn trừng phạt cũng có thể là một ví dụ điển hình giúp răn đe các quốc gia đang nuôi tham vọng hạt nhân khác. Triều Tiên có thể không đầu hàng, song khả năng thỏa hiệp là hoàn toàn khả thi.
Rõ ràng ông Trump hiểu rằng không thể có giải pháp triệt để. Song điều đáng tiếc là không phải mọi quan chức chính quyền đều đồng tình với điều đó. Ông Trump buộc phải chơi một cuộc chơi khó khăn hơn hẳn ông Kim bởi chính đội ngũ kề cận lại là những người đi ngược với quan điểm của ông.
Ông Trump có lý do hoàn toàn chính đáng để rời khỏi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội mà không ký kết bất kỳ văn bản nào, bởi một thỏa thuận chỉ có thể khả thi khi “thiên thời-địa lợi-nhân hòa”./.