Tương lai nào cho Liên hiệp Vương quốc Anh sau Brexit?

Theo tạp chí The Economist của Anh, mối liên kết giữ Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland lại với nhau hiện yếu hơn bao giờ hết. Có nhiều nguyên nhân, nhưng Brexit là nguyên nhân quan trọng nhất.
Tương lai nào cho Liên hiệp Vương quốc Anh sau Brexit? ảnh 1Một góc thành phố London. (Nguồn: Reuters)

Liên hiệp Vương quốc Anh không được sinh ra trong vinh quang. Cuộc chinh phục Ireland của người Anh vào thế kỷ XVII diễn ra rất tàn bạo, bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ bị xâm lược và được tạo điều kiện bởi sự vượt trội của quân đội của Tướng Cromwell.

Việc người Anh tiếp quản Scotland vào thế kỷ XVIII mang tính thực dụng hơn, xuất phát từ việc Scotland vỡ nợ sau một vụ đầu tư tồi tệ vào Mỹ và những lo lắng của người Anh về Pháp.

Nhưng Liên hiệp Vương quốc Anh, kết quả của những sáp nhập đó, lớn hơn tổng của các bộ phận của nó cộng lại: nó đã khai sinh ra một cuộc cách mạng khoa học và trí tuệ, tập trung vào Edinburgh cũng như London; phát triển một cuộc cách mạng công nghiệp làm giàu cho Glasgow cũng như Manchester và Liverpool; một đế chế mà người Scotland đóng góp xây dựng cũng nhiều như người Anh; và một sức mạnh quân sự đã giúp cứu thế giới khỏi chủ nghĩa phátxít.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, mối liên kết giữ Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland lại với nhau hiện yếu hơn bao giờ hết.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng Brexit là nguyên nhân quan trọng nhất. Các nhà lãnh đạo chính trị ở London, Edinburgh và Belfast đã khiến đất nước của mình gặp nguy khi cố gắng thực hiện việc đưa Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Boris Johnson đã làm điều đó một cách bất cẩn, bằng cách đặt đảng lên trên đất nước và đi theo một Brexit “cứng.”

Người Scotland không bao giờ muốn rời EU và có xu hướng tìm kiếm một tương lai bên ngoài Vương quốc Anh. Trong năm qua, các cuộc thăm dò ý kiến đã chuyển từ đa số nhỏ ủng hộ Liên hiệp, sang một đa số nhỏ ủng hộ việc tách ra khỏi Vương quốc Anh.

[EU kích hoạt tiến trình pháp lý nhằm vào Anh liên quan đến Bắc Ireland]

Lần này, Thủ tướng Boris Johnson gặp phải vấn đề ở Bắc Ireland. Những người theo chủ nghĩa hợp nhất muốn Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh cáo buộc ông đã phá vỡ vị thế hiến pháp của họ một cách “xảo quyệt” thông qua việc chấp nhận Nghị định thư Bắc Ireland, tạo ra một biên giới nội bộ trên biển Ireland. Những người cộng hòa đang reo hò về việc sắp hình thành một Ireland thống nhất.

Tình hình bạo loạn hàng đêm sẽ vẫn xảy ra nếu không có cái chết của Hoàng thân Philip. Những người trung thành theo chủ nghĩa hợp nhất bất mãn, tức giận và không tin tưởng vào chính phủ cũng như không mấy tin tưởng vào các cơ quan như cảnh sát và hệ thống tư pháp, nhưng họ vẫn tôn trọng nền quân chủ.

Theo tờ Telegraph, Thủ tướng Boris Johnson phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, điều đó là không công bằng. Đúng vậy, ông đã không thực hiện những lời hứa của mình và đồng ý với một biên giới trên biển Ireland để cứu lấy Brexit, nhưng với tư cách là Thủ tướng Vương quốc Anh, ông phải đặt lợi ích của Vương quốc Anh lên trên bất kỳ bộ phận cấu thành nào của quốc gia này.

Khi không tranh cãi nhau về vấn đề hiến pháp, các bộ phận cấu thành của Vương quốc Anh phối hợp tốt với nhau. Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland đã thực hiện các đợt phong tỏa chống COVID-19 riêng biệt, được điều chỉnh theo tốc độ lây nhiễm và độ nhạy cảm của địa phương. Vaccine, lĩnh vực phải tính đến quy mô, được thực hiện trên toàn quốc.

Sự sống còn của Vương quốc Anh là vấn đề quan trọng. Mặc dù các sự kiện lịch sử của nước này vẫn còn nhiều điều tranh cãi, song chắc chắn họ luôn đứng về phía dân chủ, nhân quyền và sự minh bạch. Không còn nghi ngờ gì nữa, các bộ phận cấu thành của Vương quốc Anh sẽ nắm giữ các giá trị tương tự.

Thực tế rằng sự tồn tại của Liên hiệp hiện nằm trong tay của ông Johnson không đáng tin cậy sẽ không mang lại niềm an ủi cho bất kỳ ai hy vọng về tương lai của quốc gia này.

Tuy nhiên, ít nhất ông Johnson đã thể hiện sự quan tâm của mình khi tạo ra một "đơn vị phụ trách vấn đề liên hiệp" trong Phố Downing (Chính phủ) và đặt nó dưới quyền của Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove, một trong những đồng nghiệp thông minh nhất của ông và là bộ trưởng cao cấp duy nhất không phải là người Anh.

Một số việc ông Johnson đang làm cũng có phần hợp lý. Ông đã đúng khi nhấn mạnh rằng bây giờ không phải là lúc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân khác của Scotland. Cuộc trưng cầu lần trước, mới cách đây 7 năm, được thông báo là cơ hội chỉ diễn ra một lần trong thế hệ.

Tình hình của Anh trên thực tế đã thay đổi kể từ đó, nhưng Brexit vừa mới diễn ra và quan điểm về Brexit chưa có cơ hội để ổn định. Hiện không nên có một cuộc trưng cầu dân ý khác cho đến khi các cuộc thăm dò cho thấy đa số rõ ràng ủng hộ nền độc lập. Việc thường xuyên tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân là một công thức cho sự bất ổn và cuối cùng là kết thúc cho Liên hiệp.

Tuy nhiên, chính phủ đang có nhiều bước đi sai lầm. Họ nên dừng việc dán cờ Liên hiệp ở khắp mọi nơi. Hành động này giống như một chiến dịch được đưa ra nhằm “đóng dấu” quyền sở hữu của Westminster trên tất cả các ngóc ngách quốc gia.

Chính phủ nên sử dụng nhiều hơn các nhân vật không phải người Anh, bao gồm cả bà Ruth Davidson, cựu lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Bảo thủ Scotland.

Ông Johnson cũng cần ngừng đưa ra những lời nói dối. Sự không trung thực của ông đối với đường biên giới trên biển Ireland càng làm trầm trọng thêm sự phản bội của ông đối với Bắc Ireland.

Ông cũng cần cải thiện mối quan hệ của Vương quốc Anh với châu Âu, bao gồm cả việc điều chỉnh tương đồng các tiêu chuẩn nông nghiệp và thực phẩm của Vương quốc Anh với các tiêu chuẩn của EU.

Điều đó sẽ khiến một thỏa thuận thương mại với Mỹ trở nên khó khăn hơn, nhưng hiện tại không có thỏa thuận nào như vậy được đưa ra và sẽ không bao giờ xảy ra nếu hòa bình ở Bắc Ireland lâm vào tình thế nguy hiểm.

Ông Johnson được bầu làm thủ tướng để "hoàn tất Brexit." Khi thực hiện điều đó, ông đã gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của đất nước mình. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông trong phần còn lại của nhiệm kỳ là giữ cho Liên hiệp tồn tại. Nếu thất bại, ông sẽ đi vào lịch sử không phải là người đã giải phóng Vương quốc Anh, mà là người đã phá hủy Vương quốc Anh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.