Tương lai nào cho vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên?

Khả năng đạt đột phá về ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến vào tháng 11 tới dường như là khó xảy ra.
Tương lai nào cho vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên? ảnh 1Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên ở ngoài khơi vịnh Wonsan ngày 2/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) đã có bài bình luận cho rằng việc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang đứng trước cơ hội giành thắng lợi và trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ là một bất lợi cho Triều Tiên.

Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, dường như ông Joe Biden có quan điểm cứng rắn hơn so với ông Donald Trump, người đã góp phần làm giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Triều kể từ đầu năm 2018 khi thực thi cách tiếp cận hòa giải với chính quyền Bình Nhưỡng.

Đổi lại, Triều Tiên có thể trở nên cứng rắn hơn trước sức ép của Mỹ trong vấn đề hạt nhân nếu tiếp tục nhận được sự "chống lưng" từ Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng trở nên xấu đi.

Trong khi đó, khả năng đạt được một sự đột phá về ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (diễn ra vào tháng 11 tới) dường như là "khó xảy ra."

Triều Tiên đang gây sức ép buộc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào trong việc giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, song gần như không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Donald Trump "sẵn sàng" làm điều đó.

Có thể nói, ông Joe Biden sẽ được "thừa kế" sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên nếu nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 46 vào tháng 1/2021.

[Bình Nhưỡng nhất trí sớm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên]

Từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và sau đó là phó tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama, ông Joe Biden được cho là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên.

Điều đó cho thấy ông Joe Biden sẽ không nỗ lực để có cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (như Donald Trump từng làm), trừ khi chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra sự nhượng bộ trước.

Giữa hai nhân vật này cũng đã từng có những cuộc "khẩu chiến nảy lửa." Năm 2019, ông Joe Biden đã mô tả ông Kim Jong-un là một "nhà độc tài giết người", khiến truyền thông Triều Tiên gọi Joe Biden là "con chó dại" và đáng lẽ phải bị "đánh đến chết."

Trong vấn đề Triều Tiên, Joe Biden có quan điểm khác biệt với Donald Trump khi muốn nhấn mạnh đến vấn đề vi phạm quyền con người ở Triều Tiên, cũng như nối lại các cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ-Hàn (vốn đang tạm dừng do dịch COVID-19) và duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Có thể nói sức mạnh của những nhân vật diều hâu đảm nhiệm công việc liên quan đến an ninh quốc gia ở Washington luôn được thể hiện rõ ràng ngay trong nhiệm kỳ của Donald Trump.

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thành công trong việc ngăn chặn chính quyền Mỹ đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Triều Tiên (như gỡ bỏ các lệnh trừng phạt), mà bản thân Tổng thống Donald Trump có thể đã dự tính.

Trước nguy cơ phải đối mặt với chính sách cứng rắn dưới thời chính quyền Joe Biden, Bình Nhưỡng có thể sẽ quyết định từ bỏ việc đóng băng các hoạt động thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân mà họ đã đồng ý thực hiện vào cuối năm 2017.

Thất vọng trước sự thiếu tiến triển của các cuộc đàm phán song phương với Mỹ, có dấu hiệu cho thấy chính quyền Kim Jong-un đã cân nhắc tới việc từ bỏ chính sách "byeongjin" (cân bằng chương trình vũ khí hạt nhân với phát triển kinh tế) và quay trở lại chính sách "songun" (Tiên quân chính trị) của cha ông.

Việc nối lại các vụ phóng thử tên lửa tầm xa có thể diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, nhiều khả năng sẽ đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10 tới đây.

Động thái này cũng nhằm truyền đi một thông điệp của Bình Nhưỡng rằng bất cứ ai được bầu làm tổng thống Mỹ, thì Triều Tiên vẫn sẽ là một cường quốc hạt nhân và Donald Trump hay Joe Biden vẫn phải tiếp tục thương lượng với Triều Tiên.

Bất kỳ quyết định nối lại hoạt động thử nghiệm tên lửa nào của Triều Tiên (trước hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ) đều sẽ phụ thuộc vào việc Bình Nhưỡng có nhận được sự ủng hộ hay phản đối của Trung Quốc trong việc đối đầu với một "kẻ thù chung" là Mỹ hay không.

Trong khi đó, Joe Biden dường như sẽ theo đuổi một chính sách cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, vốn đang ngày càng nhận được sự hưởng ứng của lưỡng đảng ở Mỹ. Điều này có thể bao gồm cả các cam kết quốc phòng của Mỹ đối với hai đồng minh khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi nối lại các hoạt động thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể khiến chính quyền Joe Biden không cần tính đến việc phải xem xét điều gì là giải pháp thực tế nhất cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong khi đó, sự đóng băng chương trình phát triển vũ khí và cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể được áp dụng để đổi lấy sự công nhận ngoại giao và viện trợ kinh tế.

Việc chính quyền Joe Biden thực thi một chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên cũng có thể khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn trở nên căng thẳng dưới thời chính quyền Moon Jae-in. Mặc dù Joe Biden có thể sẽ theo đuổi chính sách hòa giải hơn trong vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng, song chính quyền Moon Jae-in sẽ không cảm thấy hài lòng nếu Washington trở thành vật cản cho những nỗ lực mới của Seoul nhằm xích lại gần Bình Nhưỡng.

Động thái thay thế hai vị trí chủ chốt trong nội các vừa qua (Bộ trưởng Thống nhất và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia) là dấu hiệu cho thấy chính quyền Moon Jae-in muốn theo đuổi cách tiếp cận độc lập hơn trong vấn đề Triều Tiên bằng cách xem xét đến tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt và nhấn mạnh đến những giải pháp "nằm ngoài khuôn khổ."

Tình hình càng thêm phức tạp với một loạt "ẩn số đã biết" như tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người đã giảm đáng kể sự xuất hiện trước công chúng trong năm nay.

Một chiến thắng bất ngờ của Donald Trump, người có khả năng sẽ cố gắng theo đuổi để gặt hái "món hời lớn" với Triều Tiên trong nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, cũng là khả năng cần tính đến.

Thỏa thuận này dự kiến sẽ bao gồm sự chấp nhận của Mỹ ở mức độ nào đó về vị thế "cường quốc hạt nhân" của Triều Tiên và nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.