Ủng hộ chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường đại học cho rằng Bộ nên bỏ hẳn điểm sàn, tập trung tổ chức một kỳ thi đại học mang tính dịch vụ.
Vẫn nên có kỳ thi đại học?
Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, người có nhiều năm nghiên cứu về công tác khảo thí, Bộ cần tách việc thi riêng, tuyển sinh riêng. Việc thi nên do một đơn vị độc lập tổ chức và phải đảm bảo về chất lượng. Vì là kỳ thi mang tính dịch vụ nên đơn vị tổ chức có thể thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc là một đơn vị độc lập. “Đây cũng là xu hướng quốc tế”, ông Thiệp nói.
Ủng hộ chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học, ông Thiệp cho rằng mỗi trường có hướng đào tạo riêng và theo đó, họ cần có tiêu chí riêng phù hợp với đặc thù đào tạo của mình.
Tuy nhiên, theo ông Thiệp, việc các trường tự đứng ra tổ chức thi tuyển sẽ là một thách thức lớn, nhất là để đảm bảo kỳ thi chất lượng và được xã hội tin tưởng.
“Ở các nước có dịch vụ thi, còn điểm xét tuyển thì tùy trường. Thay vì lo tuyển sinh hộ các trường, Bộ nên tập trung vào việc tổ chức kỳ thi đại học có chất lượng”, ông Thiệp nói.
Cũng theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, kỳ thi này có thể tổ chức gọn nhẹ theo hình thức thi trắc nghiệm và là một bài thi tổng hợp theo lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Riêng hai môn toán và văn có thể là hai bài thi riêng và có thêm phần tự luận ngắn.
Giải thích về đề xuất thi trắc nghiệm, ông Thiệp nói: “Thi trắc nghiệm thì chất lượng đánh giá phụ thuộc vào đề thi còn với thi tự luận, điều này còn phụ thuộc vào người chấm. Tăng chất lượng đề thi sẽ nhanh và đơn giản hơn là tăng chất lượng người chấm. Mặt khác, thi trắc nghiệm sẽ rút ngắn thời gian thi nên có thể tổ chức gọn nhẹ trong một ngày, một năm có thể thi nhiều lần.”
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng kỳ thi này nên do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc một tổ chức độc lập hoặc đứng ra tổ chức. “Khi đó thí sinh có thể thi nhiều lần mỗi năm thay vì chỉ một lần duy nhất như hiện nay. Áp lực kỳ thi vì thế sẽ giảm xuống. Sau khi thi, các em có thể được cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ”, bà Nga nói.
Bộ nên bỏ điểm sàn?
Bên cạnh việc kiến nghị tổ chức một kỳ thi độc lập, lãnh đạo một số trường đại học cũng cho rằng Bộ nên bỏ hẳn quy định về điểm sàn.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng cho rằng sàn tuyển sinh chỉ nên ở mức học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông. “Điều này là đúng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học”, ông Nghị nói.
Đây cũng là kiến nghị của ông Bùi Thiện Dụ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Phương Đông: “Khi đã giao quyền tự chủ cho các trường, Bộ chỉ cần các trường làm đúng Luật Giáo dục Đại học là thí sinh phải tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc tuyển sinh như thế nào sẽ do các trường tự đặt các tiêu chí, có trường tuyển trên học bạ, có trường thi… Điều này tuỳ thuộc vào mục tiêu, định hướng đào tạo của mỗi trường và đặc thù của từng ngành.”
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, hiện Bộ đang có hai ngưỡng điểm sàn. Đó là ngưỡng 15 điểm nếu các trường đại học tuyển sinh dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia và 6 điểm nếu xét theo học bạ.
“Chúng ta cũng thông cảm là Bộ phải chịu liên đới về chất lượng đào tạo và vì thế, Bộ phải đặt ngưỡng để các trường không tuyển sinh bằng mọi giá. Trên thực tế, nếu không có sàn sẽ tạo nhiều hiệu ứng xã hội khác”, ông Tùng nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng nhiều lần chia sẻ về vấn đề điểm sàn. Ông Ga cho biết, trên thực tế rất nhiều trường không quan tâm đến điểm sàn vì điểm trúng tuyển luôn cao hơn điểm sàn rất nhiều. Điểm sàn chỉ có tác động đến các trường nhóm dưới, tránh tình trạng các trường “vơ bèo vạt tép,” ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng, năm 2015, điểm sàn chỉ 15 điểm, là rất thấp. “Nếu như trước đây, điểm xét tốt nghiệp chỉ dựa trên điểm thi trung học phổ thông thì điểm sàn này cũng đồng nghĩa với tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm 2015 cũng có đến 200 trường có phương án tuyển sinh riêng, trong đó đa số xét tuyển dựa trên điểm học bạ bậc trung học phổ thông, ngưỡng 6 điểm của học bạ cũng chỉ tương đương với học sinh trung bình”, ông Cương nói.
Vì thế, phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng ngưỡng Bộ đặt ra đã không còn đảm bảo chất lượng đầu vào được như Bộ mong đợi.
“Thay vì đặt một ngưỡng quá thấp với hy vọng siết được chất lượng đầu vào và buông lỏng cả quá trình đào tạo lẫn đầu ra như hiện nay, Bộ nên tập trung trong công tác quản lý để yêu cầu các trường đào tạo nghiêm túc, thắt chặt đầu ra. Chẳng hạn Đại học RMIT, đầu vào của họ rất thấp nhưng sinh viên tốt nghiệp vẫn đắt hàng. Bộ không nên lo các trường sẽ tuyển sinh ồ ạt vì hiện nay, người học đã tỉnh táo hơn nhiều, những trường đào tạo không chất lượng sẽ không thu hút được sinh viên”, ông Cương phân tích.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Nghị cho rằng đào tạo ở bậc đại học khác hoàn toàn so với phổ thông. “Hiện nay học sinh có rất nhiều lựa chọn. Các trường muốn tồn tại thì đều phải cạnh tranh về chất lượng đào tạo, thậm chí phải quan tâm đến tìm việc cho sinh viên sau khi ra trường. Quy luật tất yếu của thị trường sẽ sàng lọc chứ không phải là các quy định của Bộ”, ông Nghị nói.