Chiều ngày 28/12, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có buổi tọa đàm để trao đổi với các chuyên gia kinh tế về cách thức điều hành tỷ giá mới.
Theo đó, khả năng tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn trên cơ sở tham chiếu cung cầu ngoại tệ và diễn biến tỷ giá trong và ngoài nước.
Một chuyên gia tham dự buổi tọa đàm này cho biết, ông cũng như các chuyên gia kinh tế khác đã đánh giá cao cách thức điều hành tỷ giá mới mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện để đưa vào điều hành thực tiễn. Điều quan trọng là cơ chế này thể hiện được tính linh hoạt có lên, có xuống phản ánh diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong nước và đặc biệt là thị trường quốc tế vốn tác động khá lớn đến biến động tỷ giá VND/USD trong thời gian gần đây.
Theo cách thức điều hành này, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố có tham chiếu vào tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo trọng số giao dịch, cho phép tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố biến động tăng/giảm theo diễn biến thực tế trên thị trường nhưng sự biến động này nằm trong phạm vi hẹp đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, không biến động mạnh như cách tham chiếu theo tỷ giá đóng cửa mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và một số Ngân hàng Trung ương đang làm.
Bên cạnh yếu tố trong nước, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố còn tham chiếu theo biến động của đồng USD với các đồng tiền khác trên thị trường quốc tế, vốn có nhiều tác động lên diễn biến tâm lý trên thị trường trong nước thời gian qua. Theo các chuyên gia, việc kết hợp diễn biến trong nước và quốc tế sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời tình hình cung-cầu trên thị trường, tạo ra đệm đỡ tự động hỗ trợ quá trình hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế.
Cũng theo vị chuyên gia trên, Ngân hàng Nhà nước đã hé lộ kế hoạch thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại. Có thể nói, đây là một bước đi sáng tạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc làm phong phú thêm danh mục các công cụ điều hành, qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả các biện pháp can thiệp nhằm định hướng tỷ giá thị trường theo mục tiêu điều hành, đảm bảo cung-cầu ngoại tệ, đồng thời là cú hích hỗ trợ sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ trong nước.
Kế hoạch thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm quản lý và điều hành có hiệu quả thị trường ngoại tệ.
Các chuyên gia đánh giá cao kế hoạch sử dụng các nghiệp vụ phái sinh của Ngân hàng Nhà nước, coi đây là bước đi phù hợp, hỗ trợ cho việc triển khai cách thức điều hành tỷ giá mới. Ngoài ra, sẽ có hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính như kinh nghiệm của các nước.
Như vậy, thay đổi cách thức điều hành tỷ giá là thêm một bước đi trong thực hiện chủ trương xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là ổn định thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế của VND, giảm tình trạng đô la hóa theo hướng chuyển dần quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ.
Điều hành tỷ giá linh hoạt hơn là bước đi tiếp sau những biện pháp đã được sử dụng trong thời gian gần đây như thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng; giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 0% của cả tổ chức kinh tế và khu vực dân cư, cũng như khả năng tính phí đối với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ vào thời điểm thích hợp nhằm hỗ trợ cho chủ trương chống đô la hóa.
Những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước liên tục được triển khai trong thời gian gần đây cho thấy cơ quan này đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng và chọn những thời điểm thích hợp để đưa ra các giải pháp một cách đồng bộ nhằm hướng tới thị trường ngoại tệ vận hành hiệu quả và giải quyết căn bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế./.