'Tỷ giá USD tăng chỉ mang tính thời điểm, sẽ ổn định trở lại'

Dù tỷ giá biến động nhưng các chuyên gia dự báo sẽ không tăng không quá lớn, nguyên nhân do dự trữ ngoại hối đang đạt mức khá cao, góp phần củng cố "tấm đệm" để chống đỡ với các cú sốc bên ngoài.
'Tỷ giá USD tăng chỉ mang tính thời điểm, sẽ ổn định trở lại' ảnh 1Tỷ giá USD tăng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sự tăng vọt của đồng USD trên thị trường quốc tế khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức và phi chính thức tại Việt Nam không còn giữ “bình tĩnh” như thời gian qua. Từ đầu tháng năm đến nay, giá USD trên thị trường ngân hàng tăng khoảng 170-200 đồng.

T giá tăng, nới rộng khoảng cách mua bán

Phiên sáng nay (20/5) các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh giá USD phiên thứ tư liên tiếp, với mức tăng từ 16 đến 30 đồng so với sáng qua.

Cụ thể, Vietcombank tăng 25 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với sáng qua, đang niêm yết USD ở mức 23.030-23.310 đồng/USD. BIDV tăng 20 đồng ở mỗi chiều, lên 23.025-23.305 đồng/USD. Trong khi đó, VietinBank tăng 16 đồng, lên 23.029-23.309 đồng/USD.

Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng tăng mạnh. Cụ thể, Eximbank tăng 30 đồng ở mỗi chiều, ACB tăng 20 đồng và hiện đang cùng niêm yết USD ở mức 23.080-23.270 đồng/USD. Tỷ giá tại Sacombank đang là 23.046-23.303 đồng/USD, tăng 21 đồng ở mỗi chiều mua và bán.

[Mỹ: Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua]

Techcombank đang giao dịch USD ở mức 23.035-23.315 đồng/USD, tăng 20 đồng ở mỗi chiều mua bán. Tương tự, tỷ giá kỳ hạn USD tại ngân hàng này cũng được điều chỉnh tăng mạnh từ 14 đến 20 đồng tùy từng kỳ hạn.

Như vậy, so với phiên đầu tháng, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 200 đồng và so với phiên đầu tuần này (16/5), tỷ giá USD tăng 80 đồng/USD.

Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua vào và bán ra USD hiện nay đã nới rộng từ 210-310 đồng thay vì chỉ quanh khoảng 200 đồng suốt thời gian qua, các ngân hàng đang đẩy mạnh tăng thu trong hoạt động mua bán ngoại tệ.

5 tác đng ti nn kinh tế Vit Nam

Nguyên nhân của tỷ giá tăng được các chuyên gia cho rằng một phần do yếu tố mùa vụ, một phần do hồi đầu tháng Năm, Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm % và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất khoảng bảy lần trong năm nay, lên mức khoảng 2,75%-3% đã khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND. Tính đến thời điểm này, đồng USD đã tăng trên 7% so với cuối năm ngoái, điều này tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.

Phiên sáng nay (20/5), chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đang đứng ở mức 103,08 điểm, tăng 0,35% so với chốt phiên trước và đây cũng là mức cao nhất trong 20 năm so với rổ tiền tệ khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại VNDirect, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có 5 tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

'Tỷ giá USD tăng chỉ mang tính thời điểm, sẽ ổn định trở lại' ảnh 2Tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank từ đầu tháng năm đến nay. Đơn vị: Đồng

Thứ nhất, tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn.

Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD), từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.

Thứ hai, lãi suất huy động (bằng VND) chịu áp lực tăng và sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng được dự báo sẽ không lớn, khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022.

“Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm,” chuyên gia VNDirect cho biết.

Thứ ba, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Theo ước tính của VNDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.

Thứ tư, về thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của “taper tantrum' - chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước.

Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tuy nhiên, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối cao.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định dù tỷ giá USD/VND biến động nhưng dự báo sẽ không tăng không quá lớn. Nguyên nhân do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao, trên 110 tỷ USD, góp phần củng cố "tấm đệm" để chống đỡ với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại bốn tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư khoảng 4-8 tỷ USD.

Đặc biệt, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường, với dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8%-1,2%. Do đó, việc tỷ giá tăng cao trong vài tuần gần đây chỉ mang tính thời điểm và sẽ dần trở lại mức ổn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.