Giá tiêu dùng ở Đức trong tháng Chín vừa qua đã tăng với tốc độ cao nhất kể từ năm 1993 do giá năng lượng đi lên và tác động của việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời.
Theo số liệu được Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 30/9, hàng hóa và dịch vụ ở Đức trở nên đắt đỏ hơn trong tháng qua khi giá cả trung bình tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng.
Destatis cho biết nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao là hiệu ứng của việc áp đặt trở lại khung thuế giá trị gia tăng vốn giảm trong sáu tháng cuối năm 2020 để hạn chế những tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và việc giá dầu sụt giảm.
[Đức: Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng liên tục trong 15 tháng qua]
Nguồn cung khí đốt tự nhiên hạn chế cũng góp phần đẩy giá năng lượng tăng khi đến tay người tiêu dùng, trong bối cảnh Đức đang nỗ lực đảm bảo các lô hàng mới.
Trao đổi với báo giới, ông Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), nhận định giá năng lượng "có thể sẽ vẫn ở mức cao cho đến cuối năm nay." Điều này sẽ khiến lạm phát ở mức cao hơn 3% trong thời gian còn lại của năm trước khi chỉ số này giảm xuống dưới 2%.
Trong năm ngoái, để giảm thiểu hậu quả của đại dịch COVID-19, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng nửa cuối năm với hai mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%. Chính điều này đã khiến nhiều hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn./.