COVID-19: Đức kéo dài viện trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp

Tại Đức, các công ty có doanh số giảm ít nhất 30% do tác động của đại dịch có thể nộp đơn xin hỗ trợ thanh khoản lên tới 10 triệu euro mỗi tháng, cho đến tháng Mười Hai năm nay.
COVID-19: Đức kéo dài viện trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin (Đức), ngày 22/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính của Đức ngày 8/9 thông báo nước này sẽ kéo dài chương trình viện trợ khẩn cấp COVID-19 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thêm 3 tháng nữa cho đến hết năm nay.

Theo hai bộ trên, các công ty có doanh số giảm ít nhất 30% do tác động của đại dịch có thể nộp đơn xin hỗ trợ thanh khoản lên tới 10 triệu euro (hơn 11,8 triệu USD) mỗi tháng cho đến tháng Mười Hai năm nay.

Chính phủ Đức cũng kéo dài chương trình viện trợ bổ sung để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do dịch COVID-19 cũng như các nhạc sỹ, nghệ sỹ và những người làm việc tự do khác. Trước đó, chương trình viện trợ của Chính phủ Đức dự kiến kết thúc vào ngày 30/9.

Chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel cũng đồng ý về cơ bản kéo dài chương trình làm việc ngắn hạn, còn được gọi Kurzarbeit, đến hết năm nay để giảm thiểu các tác động xấu của đại dịch đối với người lao động.

Dự kiến, Nội các Đức sẽ thông qua các biện pháp trên vào cuối tháng này.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đức vào tháng Ba năm ngoái, nền kinh tế "đầu tàu" của châu Âu đã hỗ trợ các công ty gặp khó khăn với các khoản vay và trợ cấp đặc biệt có tổng trị giá gần 120 tỷ euro (142 tỷ USD).

[Đức chuẩn bị áp đặt 'quy tắc 3G' trên phạm vi toàn quốc]

Ngoài ra, Chính phủ Đức đã đầu tư 38 tỷ euro thông qua chương trình làm việc ngắn hạn để bảo vệ người lao động trước tác động của dịch bệnh, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp và ổn định thu nhập cho người tiêu dùng.

Theo số liệu được Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) công bối hồi tháng Tám, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan và nhanh hơn so với dự báo.

Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã khôi phục đà tăng trưởng trong quý 2, ở mức 1,6% so với quý trước, cao hơn mức dự báo 1,5% hồi đầu năm.

Động lực chính đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức là chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng mạnh sau khi các biện pháp phong tỏa phòng dịch được dỡ bỏ, cùng với đó là chi tiêu của chính phủ.

Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu này sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý 3 năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Bundesbank cũng cảnh báo rằng tốc độ lây lan của biến thể Delta và xu hướng tiêm chủng giảm mạnh có thể sẽ mang lại rủi ro cho nền kinh tế, vì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hoàn toàn có thể được tái áp đặt khi tỷ lệ lây nhiễm tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.