Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 2 năm nay đã tăng gần gấp đôi, lên mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây khi mức chi tiêu dịp nghỉ Tết Nguyên Đán vừa qua đã làm gia tăng áp lực lạm phát đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9/3 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên 2,9%, từ mức 1,5% so với tháng trước đó.
Lạm phát tiêu dùng chủ yếu là do sức mua tăng ở các mặt hàng thực phẩm và quà tặng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã đẩy giá tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó, việc hàng trăm triệu người dân Trung Quốc trở về quê nhà dịp nghỉ lễ này cũng đẩy giá cước vận tải tăng lên.
[Lượng tín dụng mới bằng đồng nhân dân tệ cao kỷ lục trong tháng Một]
Trái lại, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 vừa qua đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 4,3% của tháng 1 trước đó.
Nhà phân tích tại NBS Sheng Guoqing nhận định kỳ nghỉ Tết đã qua nên ở một chừng mực nào đó, tỷ lệ tăng trưởng CPI hàng năm tại Trung Quốc sẽ giảm trong tháng 3 này. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á tại công ty Mizuho Securities Asia ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng giới chuyên môn không thể phớt lờ trước sức ép lạm phát tăng cao trong năm nay và đó là điều mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang xem xét một cách thận trọng.
Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng có thể gây trở ngại cho các nỗ lực của Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong việc kích thích hoạt động kinh tế do nước này vẫn tiếp tục siết chặt chính sách tài chính nhằm cắt giảm các khoản nợ tín dụng và các khoản nợ tiềm tàng trong tương lai.
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hướng tới mục tiêu duy trì tỷ lệ tăng CPI khoảng 3% trong năm nay./.