Một phần ba số phụ nữ mang thai bị chồng bạo lực

Tỷ lệ số phụ nữ mang thai bị chồng bạo lực có chiều hướng gia tăng

Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, những phụ nữ mang thai bị bạo lực tinh thần là phổ biến nhất, tiếp đó là bị bạo lực tình dục và kế tiếp là bị bạo lực thể xác.
Tỷ lệ số phụ nữ mang thai bị chồng bạo lực có chiều hướng gia tăng ảnh 1Nhân viên y tế tư vấn về sức khỏe cho thai phụ. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ mang thai đang diễn ra phổ biến. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai không được bảo vệ trước các hành động bạo lực của chồng.

Cứ ba phụ nữ mang thai thì có một người bị chồng có hành động bạo lực (chiếm tỷ lệ 35%). Trong đó, những phụ nữ mang thai bị bạo lực tinh thần là phổ biến nhất, tiếp đó là bị bạo lực tình dục và kế tiếp là bị bạo lực thể xác.

Thông tin trên được thạc sỹ Nguyễn Hoàng Thanh - Trường Đại học Y Hà Nội đưa ra trong kết quả nghiên cứu: “Bạo lực do chồng đối với phụ nữ mang thai” được trình bày tại buổi hội thảo với các bên liên quan về Dự án: “Tác động của bạo lực đối với sức khỏe sinh sản tại Tanzania và Việt Nam” (PAVE) diễn ra sáng 1/3 tại Hà Nội.

Số liệu của nghiên cứu trên được các chuyên gia thu thập tại huyện Đông Anh, Hà Nội và triển khai từ năm 2014-2016.

Thiết kế nghiên cứu thuần tập được sử dụng để thu thập số liệu của 1.337 phụ nữ mang thai đến khám thai tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập thông tin về thực trạng và các dạng của bạo lực do người chồng đối với phụ nữ trong quá trình mang thai. Chẳng hạn như bạo lực thể xác bao gồm các hành vi như: tát, đấm, đá… Bạo lực tinh thần bao gồm các hành vi như thờ ơ, hăm dọa; bạo lực tình dục bao gồm các hành vi như ép buộc quan hệ tình dục, kích dục...

Đối với các phụ nữ mang thai bị bạo lực tinh thần có 90% bị chồng đe dọa, đối với các phụ nữ mang thai bị bạo lực thể xác có tới 95% bị chồng tát, đối với các phụ nữ mang thai bị bạo lực tình dục thì có tới 87% bị chồng ép quan hệ tình dục khi họ không muốn…

Kết quả cho thấy, những phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị bạo lực do chồng trong quá trình mang thai cao gấp 2 lần so với các phụ nữ có con trai. Hầu hết phụ nữ mang thai đã giữ kín chuyện mình bị bạo lực.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ mang thai thường bị cùng một lúc nhiều loại bạo lực do người chồng gây ra. Có 20% phụ nữ chịu cùng một lúc bạo lực tinh thần và tình dục do chồng; 9,5% chịu cùng lúc bạo lực tinh thần và thể xác và 2,8% chịu cùng một lúc cả ba loại bao lực tinh thần, thể xác, tình dục trong quá trình mang thai.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, 50% phụ nữ bị bạo lực trong quá trình mang thai đã giữ kín chuyện này và không nói cho bất kỳ ai trước thời điểm tiến hành nghiên cứu.

Trong số những người có tiết lộ cho người khác về hành vi bạo lực của chồng thì chủ yếu họ thường kể cho các thành viên trong gia đình ruột của mình, sau đó đến bạn bè, hàng xóm hoặc với gia đình chồng.

Tại hội thảo, nhiều đề tài được các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày như: Bạo lực do chồng và sinh non, sinh nhẹ cân; Kết quả nghiên cứu tại Nicaragua và Bangladesh về vấn đề bạo lực do chồng và phụ nữ mang thai, những chính sách khuyến nghị…

Dự án PAVE được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch. Dự án được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Việt Nam, Tanzania và Đan Mạch. Các nhà nghiên cứu đến từ bốn trường đại học gồm: Kilimanjaro Christian Medical College (Tanzania), Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Copenhagen và Đại học Nam Đan Mạch.

Thông qua hội thảo và kết quả từ những nghiên cứu, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị gửi tới các cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan để có những chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục