Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các khu vực có tỷ lệ tử vong mẹ đạt tới mức độ thấp, tăng cường tiếp cận dịch vụ đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ ở những vùng có tỷ lệ tử vong mẹ duy trì ở mức độ cao là ưu tiên của Việt Nam về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình sau 2015.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố các định hướng ưu tiên quốc gia về sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn sau năm 2015 được tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh để giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục-kế hoạch hóa gia đình và đạt được mục tiêu phổ cập sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình cho người dân, Việt Nam cần tìm ra cách tiếp cận chiến lược và sáng tạo, trong bối cảnh số lượng hỗ trợ từ bên ngoài ngày càng giảm sút.
Việt Nam cần xây dựng các chương trình can thiệp sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình có hiệu quả kinh tế, phù hợp với văn hóa. Ngành y tế cần mở rộng và xây dựng quan hệ đối tác công-tư trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình để tăng cường cung cấp các dịch vụ cần thiết và chất lượng cho cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết các ưu tiên về sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình sau năm 2015 sẽ là cơ sở để ngành y tế xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch y tế 5 năm và Chiến lược Dân số-sức khỏe sinh sản trong giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, các ưu tiên này cần được lồng ghép vào các chính sách và chương trình của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cùng các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam sau năm 2015.
Số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cho thấy Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong việc đạt các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục, bao gồm cả các dịch vụ lồng ghép trong kế hoạch hóa gia đình đã được mở rộng. Chất lượng dịch vụ bao gồm cả dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong, bệnh tật giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số; sự khác biệt trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục có chất lượng giữa các vùng miền khác nhau trên toàn quốc. 1/3 số thanh niên vẫn gặp cản trở trong tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục.
Tại hội thảo, Bộ Y tế đã công bố các định hướng ưu tiên về sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình cho giai đoạn sau năm 2015, trong đó Bộ Y tế và các đơn vị liên quan chủ động cung cấp thông tin cho thanh thiếu niên và thanh niên chưa lập gia đình; cải thiện sự hợp tác giữa các cơ sở công-tư trong việc cung cấp dịch vụ thân thiện và các biện pháp tránh thai; xây dựng các chính sách riêng cho sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục của thanh niên.
Bên cạnh đó, ngành cũng cải thiện các phương pháp tiếp cận trong việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho hệ thống đảm bảo chất lượng về biện pháp tránh thai, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ Y tế cũng xây dựng chiến lược toàn diện quốc gia và các chính sách về phòng, chống và kiểm soát bệnh ung thư sinh sản đồng thời, tăng cường hệ thống y tế, cải thiện các mối liên kết và lồng ghép vấn đề HIV với sức khỏe tình dục-sức khỏe sinh sản trong các chính sách, chương trình và dịch vụ ở tất cả các cấp./.