Tỷ lệ sơ sinh tử vong chiếm khoảng 45% tổng số ca trẻ em tử vong ở Việt Nam

Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, với ước tính khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non) trên toàn thế giới mỗi năm.
Các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Thế giới vì trẻ sinh non. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 17/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam thông tin Ngày Thế giới vì trẻ sinh non năm nay với chủ đề: “Da kề da ngay sau sinh: Thực hành đơn giản, tác động tối ưu.”

Theo đó, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế và UNICEF Việt Nam đã tổ chức các sự kiện đặc biệt tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Đắk Nông và Thành phố Hồ Chí Minh để tôn vinh những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ y tế trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.

Ngày Thế giới vì trẻ sinh non được tổ chức hàng năm vào ngày 17/11 nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về những khó khăn của các bà mẹ và trẻ nhỏ liên quan đến sinh non và tôn vinh cuộc sống của trẻ sinh non.

UNICEF Việt Nam hợp tác với Bộ Y tế để hỗ trợ và mở rộng các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh, bao gồm phương pháp chăm sóc Kangaroo trên toàn quốc.

‘’Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được triển khai rộng rãi trên khắp mọi miền của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi hỗ trợ ngành y tế xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng như hỗ trợ Bộ Y tế nhân rộng các can thiệp giúp giảm tử vong ở trẻ em," ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em chia sẻ.

Hướng tiếp cận này bao gồm việc xây dựng tài liệu hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non/nhẹ cân, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại các tuyến, cung cấp cho gia đình và cộng đồng những thông tin về cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non/nhẹ cân.

Ông Muthu cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng trong 9 tháng đầu năm 2023, khoảng 51.750 trẻ sơ sinh tại 7 tỉnh dự án do UNICEF hỗ trợ đã được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chăm sóc Kangaroo, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em, Bộ Y tế.”

Ngày Thế giới vì trẻ sinh non hướng tới việc nâng cao nhận thức về những khó khăn và hậu quả của sinh non, tăng cường khả năng phát hiện sớm các nguy cơ trong thai kỳ, nâng cao điều trị y tế, trao quyền cho cha mẹ và giảm hậu quả lâu dài cho trẻ em và gia đình.

Tại gần 100 quốc gia, các cá nhân, bệnh viện, tổ chức phi chính phủ, nhóm cha mẹ và các cơ quan chính phủ tham gia vào các hoạt động Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non trong tuần này. Các hoạt động với những nỗ lực chung sẽ giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động để ngăn ngừa sinh non, cải thiện hệ thống y tế với mục tiêu cứu sống trẻ em.

Theo UNICEF, sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, với ước tính khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non) trên toàn thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh chiếm khoảng 45% tổng số ca tử vong trẻ em.

Ngày Thế giới vì trẻ sinh non là cơ hội để vận động cho việc chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh cho mọi trẻ em ở khắp mọi nơi và tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của các lợi ích mà những phương pháp giúp cứu sống trẻ em như tiếp xúc da kề da ngay sau sinh và Chăm sóc kiểu Kangaroo (KMC) cho trẻ sinh non. Tiếp xúc da kề da liên tục và kéo dài giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ là yếu tố then chốt của chăm sóc Kangaroo. Việc này khuyến khích trẻ sơ sinh bú mẹ, giảm mức độ căng thẳng và tăng cường gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tiếp xúc da kề da có thể và nên được bắt đầu ngay sau khi sinh, ngay cả trước khi trẻ sơ sinh được coi là ổn định về mặt lâm sàng. Tiếp xúc da kề da sau sinh giúp trẻ ổn định thân nhiệt, ngăn ngừa nhiễm trùng, kích thích sản xuất sữa mẹ và mang lại những tác động tích cực về thể chất, hành vi, tâm lý xã hội và phát triển hệ thần kinh đồng thời giảm 40% nguy cơ tử vong sơ sinh.

Mặc dù chăm sóc da kề da cho trẻ sinh non và nhẹ cân mang lại những lợi ích to lớn như vậy, nhưng việc thực hiện phương pháp này một cách thường quy luôn là một thách thức trền toàn cầu. Phương pháp này cần sự thay đổi đáng kể mô hình chăm sóc trẻ sơ sinh truyền thống, thường tách trẻ mới sinh khỏi mẹ, đặc biệt là trong trường hợp trẻ sinh non hoặc nhẹ cân. Ngày nay, các bằng chứng đã khẳng định tính hiệu quả của mô hình chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong đó các bà mẹ, trẻ sơ sinh và gia đình là trung tâm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục