Sau những tranh cãi kéo dài, ngày 27/2, tỷ phú người Anh Philip Green đã trả khoản tiền 363 triệu Bảng (tương đương 452,5 triệu USD, 426 triệu Euro) để giải quyết vụ thâm hụt quỹ lương hưu do sự sụp đổ của chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng của Anh Debenhams (BHS).
Năm 2015, sau 15 năm sở hữu BHS, ông Green đã bán công ty này với giá 1 tỷ Bảng cho Dominic Chappell, một cựu doanh nhân bị phá sản và không có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ.
Đầu năm 2016, chuỗi cửa hàng bán lẻ này đã sụp đổ kéo theo 22.000 người bị ảnh hưởng, trong đó 11.000 nhân viên mất việc làm và quỹ lương hưu của BHS bị thâm hụt 571 triệu Bảng.
Sau khi BHS sụp đổ, Quốc hội Anh đã tiến hành một cuộc điều trần về vụ việc, trong đó nhiều nghị sĩ đã gọi ông Green - người được tạp chí Forbes đánh giá sở hữu số tài sản lên tới 4,8 tỷ Bảng - là "tỷ phú chợ đen" và "kẻ bòn rút tài sản".
Các nghị sỹ cũng đã bỏ phiếu bãi bỏ tước hiệu hiệp sỹ mà ông Green được trao do những đóng góp đối với ngành bán lẻ.
Theo thỏa thuận bồi thường, tất cả những người hưởng lương hưu được nhận lương hưu đúng mức ban đầu BHS đã cam kết, trong khi những người đã phải nhận mức lương thấp hơn do sự sụp đổ của dây chuyền bán lẻ sẽ được nhận các khoản đền bù.
Phát biểu sau khi đưa ra thỏa thuận bồi thường trên, ông Green đã gửi lời xin lỗi tới những người hưởng lương hưu của BHS vì những bất ổn trong năm vừa qua.
Theo Lesley Titcomb, người đứng đầu cơ quan quản lý lương hưu, việc đạt được thỏa thuận với ông Green là một kết quả tốt đẹp đối với các thành viên của quỹ lương hưu BHS./.