Ngày 17/4, tỷ phú Elon Musk tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt một nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) mới, đối trọng với chatbot ChatGPT đình đám hiện nay.
Chia sẻ trên kênh Fox News, ông Musk cho biết nền tảng mang tên TruthGPT này là một AI cung cấp sự thật tối đa và hướng tới sự an toàn cho con người khi ứng dụng công nghệ thông minh này.
Một số nguồn thạo tin cho biết tỷ phú người gốc Nam Phi này đã "bắt tay" các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI của công ty Google (thuộc tập đoàn Alphabet, Mỹ) để thành lập công ty khởi nghiệp cạnh tranh với OpenAI - công ty khởi nghiệp đã phát triển chatbot ChatGPT.
Theo hồ sơ của bang Nevada (Mỹ), hồi tháng trước, ông Musk đã đăng ký thành lập công ty mới có tên X.AI Corp. Đơn đăng ký nêu rõ ông Musk là giám đốc duy nhất của công ty này, trong khi ông Jared Birchall - Giám đốc điều hành văn phòng gia đình của Musk - làm thư ký của công ty.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh tỷ phú Musk và một nhóm khoảng 25.000 người, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực AI và giới lãnh đạo các tập đoàn công nghệ khác, đã yêu cầu cộng đồng tạm thời đình chỉ các thử nghiệm phát triển hệ thống ngôn ngữ mạnh hơn GPT-4 của OpenAI, với lý do cuộc chạy đua này có thể mang tới nhiều rủi ro tiềm ẩn cho xã hội. Theo ông Musk, AI thậm chí “có khả năng hủy diệt nền văn minh.”
[Châu Âu lập lực lượng đặc nhiệm nhằm đưa ra chính sách về ChatGPT]
Trong bài đăng trên Twitter hồi cuối tuần trước, ông Musk cho biết đã từng đề nghị ông Barack Obama ở thời điểm ông này giữ chức Tổng thống Mỹ, rằng nước này cần xây dựng thêm các quy định về quản lý và sử dụng AI.
Ông Elon Musk là người đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015. Tuy nhiên, vào năm 2018, ông đã rời hội đồng quản trị của công ty này để tập trung phát triển hãng xe điện Tesla và công ty khai phá không gian SpaceX.
Ngoài ra, một số bất đồng về nhân sự và đường hướng phát triển của OpenAI cũng là lý do khiến vị tỷ phú này rời đi.
ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát.
ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt trên Internet chỉ sau một đêm khi ra mắt vào tháng 11/2022. Nó thu hút sự chú ý nhờ khả năng hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát các câu hỏi trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Kết quả là chatbot này đã thu hút hơn 1 triệu người dùng trong tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt.
Giới phân tích chỉ ra rằng ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng câu trả lời phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học (bị hạn chế tới năm 2021), chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời, chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai. Ngoài ra, chatbot này cũng bị chê vì mức độ cảm xúc và sáng tạo còn hạn chế.
Hạn chế lớn nhất của ChatGPT là nó có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Các chuyên gia cũng cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
Dù tồn tại những nhược điểm nêu trên, ChatGPT vẫn được ca ngợi là một sản phẩm AI đột phá, đe dọa phá vỡ các thị trường khác nhau, từ giáo dục và truyền thông cho đến công cụ tìm kiếm của Google./.