Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong quý 4/2017, tỷ trọng của đồng USD trong các kho dự trữ tiền tệ toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm, trong khi tỷ trọng của các đồng tiền khác lại gia tăng.
Thống kê cho thấy trong quý 4/2017, dự trữ đồng USD đứng ở mức 6.280 tỷ USD, tương đương 62,7% dự trữ tiền tệ toàn cầu, ghi dấu mức thấp nhất kể từ con số 61,24% trong quý 4/2013.
Tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ tiền tệ đã giảm bốn quý liên tiếp, trước sự suy yếu của đồng tiền này trong năm 2017, do tốc độ tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ có xu hướng mạnh lên, cũng như nhận định của nhiều thị trường rằng các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ cân nhắc giảm chương trình kích thích kinh tế. Song đồng USD hiện vẫn duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ lớn nhất.
Đứng ngay sau đồng bạc xanh, tỷ trọng của đồng euro trong dự trữ tiền tệ quốc tế đã tăng từ 20,05% trong quý 3/2017 lên 20,15% trong quý 4/2017, mức cao nhất trong ba năm, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 28% trong năm 2009. IMF cũng cho biết tỷ trọng của đồng yen trong dự trữ tiền tệ đã phục hồi lên 4,89% trong quý 4/2017, mức cao nhất kể từ quý 4/2002. Tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ cũng tăng tương ứng từ 1,12% lên 1,23%.
Số liệu của IMF cho biết dự trữ tiền tệ toàn cầu đã tăng từ 11.297 tỷ USD trong quý 3/2017 lên 11.425 tỷ USD trong quý 4/2017, mức cao nhất kể từ quý 2/2015./.