Ukraine đang hiện thực hóa niềm tin vào '"ước mơ châu Âu"

Tổng thống Ukraine Poroshenko đã bắt tay với EU khi đặt bút ký kết văn kiện mà theo lời ông "không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là niềm tin vào 'ước mơ châu Âu' của người dân."
Ukraine đang hiện thực hóa niềm tin vào '"ước mơ châu Âu" ảnh 1Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tại lễ ký Hiệp ước liên kết, ngày 27/6. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Không lâu sau khi người tiền nhiệm Viktor Yanukovych trì hoãn ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu ( EU), trong những ngày cuối tháng Sáu năm nay, tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chính thức bắt tay với EU khi đặt bút ký kết văn kiện mà theo lời ông " không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là niềm tin vào 'ước mơ châu Âu' của người dân."

Lợi ích song hành với mất mát

Ngày 27/6, Ukraine đã ký Hiệp ước liên kết với EU, bản thỏa thuận kèm theo 1.200 trang tài liệu bao gồm những quy định về hàng hóa, từ gà tây, hoa tuylíp, phômai cho tới các loại máy móc. Chính Tổng thống Poroshenko hồ hởi nói rằng Ukraine sẽ tận dụng cơ hội này để "hiện đại hóa đất nước."

Giới phân tích nhận định, Hiệp ước liên kết với EU hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi lớn cho Ukraine - quốc gia đông dân và giàu tài nguyên song đang bị tụt hậu so với nhiều quốc gia khác thuộc Liên xô cũ. Trước hết, dù chưa phải là thành viên EU, song quốc gia Đông Âu này sẽ được hưởng lợi ích kinh tế lâu dài nhờ cơ hội tiếp cận không hạn chế một thị trường giàu có với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Các chuyên gia ước tính Hiệp ước sẽ giúp tăng thu nhập quốc gia hàng năm của Ukraine thêm 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD).

Theo Hiệp ước vừa được ký kết, 98% thuế quan của EU đối với Ukraine và 99% thuế quan của Ukraine đối với các quốc gia EU sẽ bị xóa bỏ. Xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Ukraine sẽ được hưởng lợi bởi 1/4 tổng hàng hóa xuất khẩu của Ukraine là tới EU. Nhờ đó các nhà xuất khẩu của Ukraine cũng sẽ tiết kiệm được gần 500 triệu euro (685 triệu USD)/năm.

Xuất khẩu của Ukraine sang EU được dự đoán sẽ tăng thêm 1 tỷ USD/năm nhờ gia tăng doanh số bán các mặt hàng dệt may, kim loại và các sản phẩm thực phẩm. Về lâu về dài, sản lượng kinh tế của Ukraine có thể tăng thêm 1%/năm nhờ vào tăng xuất khẩu trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đồng thời đầu tư của EU vào Ukraine cũng gia tăng.

Ukraine sẽ được hưởng lợi khi được EU dành cho "khoảng thời gian đệm" 15 năm để bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước. Số liệu của EU cho thấy năm 2013 EU xuất khẩu 23,9 tỷ euro (33 tỷ USD) hàng hoá sang Ukraine và nhập khẩu 13,8 tỷ euro hàng hoá từ quốc gia này.

Liên kết với EU, Ukraine kỳ vọng nền kinh tế sẽ có bước tiến mạnh mẽ như Ba Lan. Khi Liên bang Xôviết sụp đổ năm 1991, Ukraine và Ba Lan ngang tầm nhau về mặt kinh tế. Tuy nhiên, sau khi gia nhập EU năm 2004 hiện Ba Lan giàu có hơn Ukraine tới gần 4 lần nếu so sánh sản lượng kinh tế trên đầu người.

Nicholas Burge, trưởng bộ phận kinh tế và thương mại thuộc phái đoàn của EU ở Kiev, cho rằng thỏa thuận giữa Ukraine và EU có khả năng đem lại "sự thay đổi to lớn như tại Ba Lan. Đó là điều Ukraine sẽ nhận được nếu có thể duy trì tốc độ cải cách."

Viễn cảnh là vậy, nhưng thách thức mà Ukraine phải đối mặt lại không nhỏ. Phát biểu sau lễ ký kết, Chủ tịch EU Barroso tuyên bố Ukraine sẽ phải triển khai một tiến trình cải cách và cải tổ "lâu dài và sâu rộng". EU yêu cầu Ukraine phải đáp ứng các tiêu chuẩn của khối về cải cách kinh tế, chống tham nhũng, bản quyền...

Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU khó tính Ukraine phải thay đổi cách thức kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp Ukraine sẽ phải có sự đầu tư lớn từ sản xuất cho đến dây chuyền công nghệ. Đây là một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp vốn đang vật lộn với hậu quả của cơn bão tài chính.

Không những thế EU vẫn giữ hạn ngạch hạn chế trong nông nghiệp - một lĩnh vực vốn nhạy cảm - nhằm bảo vệ các nước thành viên trước khả năng cạnh tranh giá rẻ của Ukraine. Ví dụ, thỏa thuận giữa Ukraine và EU chỉ cho phép liên minh này nhập khẩu mỗi năm 36.000 tấn thịt gà miễn thuế từ Ukraine - một con số không nhiều khi Ukraine sản xuất hơn 1 triệu tấn/năm. Hoặc Ukraine không thể bán các sản phầm từ sữa tại châu Âu bởi vì các quy định về vấn đề này vẫn chưa hoàn thiện. Các quan chức trong ngành nông nghiệp cho biết sớm nhất là năm 2015, sữa và phô mai của Ukraine mới có cơ hội xuất hiện tại thị trường EU.

Nhà kinh tế Volodymyr Sidenko của Viện Nghiên cứu Razumkov ở Kiev nói thêm: "Vấn đề là cần phải cải cách toàn bộ nền kinh tế. Nếu không có sự thay đổi, mọi hoạt động thương mại và đầu tư sẽ không thực sự hiệu quả."

Hết thời ưu đãi từ Nga

Có thể nói lý do chính mà cựu Tổng thống Yanukovych lần lữa ký Hiệp ước liên kết với EU hồi cuối năm ngoái là vì Kiev sẽ đứng trước nguy cơ mất khoảng 500 tỷ USD giá trị giao dịch thương mại với Nga.

Các quan chức Moskva thẳng thừng nếu Ukraine ký kết thỏa thuận với EU, Nga sẽ xóa bỏ các đặc quyền về thương mại mà Ukraine đang được hưởng và bắt đầu áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Ukraine. Đây sẽ là một cú đòn lớn giáng vào Ukraine vì 25% hàng hóa của nước này được xuất sang Nga, trong đó có hàng hóa được sản xuất từ các ngành công nghiệp trọng điểm đóng tại khu vực miền Đông đang rối ren. Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine khi lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Nga lớn hơn 25,6% so với sang EU. Và Nga không doạ suông vì năm 2014 Moskva đã ngừng nhập khẩu phô mai của nhiều nhà sản xuất Ukraine với lý do chất lượng không đảm bảo.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya ngày 1/7 tuyên bố Moskva có thể xem xét hủy bỏ chế độ thương mại tự do với Ukraine bằng cách tăng thuế nhập khẩu, nhưng vẫn trong giới hạn cho phép của quy chế tối huệ quốc giữa hai nước hiện nay và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Nebenzya cho biết theo Hiệp định liên kết mà Kiev ký với EU, thị trường Ukraine với phần lớn là hàng nông sản sẽ mở cửa để đón nhận hàng hóa từ EU, vốn có giá thấp do được trợ giá cao hơn nhiều so với ở Ukraine. Ông Nebenzya lo ngại hàng hóa Ukraine sản xuất không được thị trường trong nước tiêu thụ hết do giá cao sẽ được xuất sang Nga, cũng như các nước thành viên Liên minh Hải quan. Ngoài ra, một vấn đề lớn nữa là nguy cơ tái xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp EU không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Moskva, từ Ukraine vào các nước thuộc Liên minh hải quan. Đây là hai tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất Nga, điều này cho phép Moskva xem xét lại chế độ tự do thương mại với Kiev trong khuôn khổ quy định của WTO.

Do tài chính kiệt quệ Ukraine đã không đủ sức chống đỡ "vũ khí" khí đốt của Nga. Đầu tháng Tư vừa qua Nga không chỉ chấm dứt thỏa thuận bán khí đốt với giá ưu đãi cho Ukraine, mà còn tuyên bố sẽ tăng giá mặt hàng chiến lược này từ mức 268,5 USD/1.000 m3 lên 485 USD/1.000 m3, mức giá cao nhất trong số các khách hàng châu Âu. Cái giá khá đắt mà Ukraine phải trả là ngày 17/6 vừa qua Nga đã thông báo chính thức khóa van cung cấp khí đốt cho Ukraine, với lý do chính quyền Kiev không thanh toán đúng hạn hóa đơn nợ mua khí đốt hiện lên tới 4,5 tỷ USD.

Việc Nga ngừng cấp khí đốt cho Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn cung cấp cho nhiều nước trong EU bởi Nga đáp ứng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối này và một nửa trong số đó trung chuyển qua Ukraine.

Dù cho cơ hội hội nhập kinh tế EU ngày càng rộng mở, nhưng Kiev sẽ phải gồng mình vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai mới có thể biến giấc mơ được giống như Ba Lan trở thành hiện thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.