Theo trang mạng newsweek.com, nỗ lực của Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đã khiến khối này phải vật lộn để thống nhất được cả khối trong việc ủng hộ Kiev, trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên phương Tây tỏ ra lo ngại và hoài nghi về vấn đề mở rộng EU, đồng thời đề phòng việc tạo tiền lệ cho một nước "nhanh chóng" trở thành thành viên liên minh.
Dường như đa phần các quốc gia thành viên EU đều để ngỏ khả năng Ukraine cuối cùng gia nhập khối. Tuy nhiên, tình trạng chia rẽ giữa các nước Đông Âu và Tây Âu ngày càng gay gắt, đặc biệt về cách thức và thời điểm Kiev chính thức là thành viên của "gia đình EU."
Đối với những nước muốn gia nhập EU, con đường đi đến Brussels đầy chông gai và tốn nhiều thời gian cũng như công sức. Thông thường, hành trình này có thể kéo dài khoảng một thập kỷ, liên quan đến những vòng đàm phán phức tạp và những yêu cầu cải cách cơ cấu của quốc gia nộp đơn gia nhập.
Quá trình ngắn nhất dành cho Áo, Phần Lan và Thụy Điển khi cả 3 nước này đều phải mất gần 5 năm để có thể thực hiện những cải cách, đáp ứng các tiêu chí của EU. Các cuộc đàm phán để mở rộng sang Đông Âu kéo dài hơn 10 năm.
Mối đe dọa hiện hữu mà chiến dịch quân sự của Nga gây ra đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao của ông kêu gọi EU đẩy mạnh tiến trình này. Đáp lại, EU đã hành động mau lẹ với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ để bắt đầu quá trình trở thành thành viên của Ukraine.
Tuy nhiên, dường như một số quốc gia Tây Âu ngày càng miễn cưỡng hơn trong việc thể hiện sự ủng hộ đáng kể của họ trước "làn sóng" mở rộng EU, cho dù là kết nạp Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào trong số 9 quốc gia khác muốn tham gia.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức ở Versailles (Pháp) hồi tháng 3/2022, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất ủng hộ Ukraine gia nhập khối. Tuy nhiên, các nước EU vẫn bất đồng về cách thức và thời gian.
Quan ngại về "lộ trình chóng vánh"
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nói rằng "không có con đường nào nhanh chóng đến như vậy."
Đầu tháng Năm vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng việc xem xét tư cách thành viên có thể mất "nhiều thập kỷ," trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây nhấn mạnh "không có con đường tắt nào trên con đường trở thành thành viên EU."
Sự dè dặt của "hai anh cả" Đức và Pháp về việc mở rộng hơn nữa liên minh không có gì mới. Cả Paris và Berlin cùng với các quốc gia Tây Âu đều hoài nghi về việc có thêm thành viên mới.
Những thành viên chủ chốt khác của EU cũng lo ngại về việc kết nạp những quốc gia chưa thể kiềm chế hoàn toàn nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức - điều có thể gây áp lực hơn nữa đối với ngân sách của EU.
Nhiều vấn đề trong số này sẽ tồn tại khi Ukraine gia nhập EU, đặc biệt là với quy mô tái thiết cần thiết sau chiến tranh.
Mặc dù Kiev đã đạt được một số tiến bộ trong cải cách nhờ thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với EU hồi năm 2014, song việc tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn của khối vẫn là một mục tiêu xa vời.
Bên cạnh đó, một số nước vẫn ủng hộ Kiev trở thành thành viên EU nhưng họ lại không ủng hộ một lộ trình gia nhập nhanh chóng.
Ngay cả giới chức hàng đầu ở các nước Baltic đã nói rằng không có hy vọng để (Ukraine) trở thành thành viên chỉ trong một thời gian ngắn. Chính sự miễn cưỡng của các nước Tây Âu về vấn đề mở rộng nói trên đã khiến các nước Đông Âu không khỏi lo lắng.
Những quan ngại của Đông Âu
Đối với một số quốc gia EU, đặc biệt là những nước ở phía Đông vốn được hưởng lợi từ việc gia nhập khối và nhận thức rõ về mối đe dọa của Nga, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vượt qua những quan ngại về thể chế.
Một quan chức ngoại giao giấu tên của Latvia nói với tờ Newsweek rằng một cuộc họp cấp cao giữa các nhà ngoại giao Latvia và Estonia đã diễn ra gần đây, trong đó vấn đề tư cách thành viên EU của Ukraine đã được thảo luận.
Quan chức này bày tỏ: “Các nước Baltic đang ủng hộ mạnh mẽ điều này, nhưng chúng tôi nhận thấy Đức và Pháp không cùng quan điểm. Những nước Baltic cho rằng các thành viên sáng lập của EU đã thiếu tầm nhìn xa trông rộng về xu hướng phát triển của khối.
[Liên minh châu Âu nhất trí hỗ trợ 9 tỷ euro cho Ukraine]
EU đã né tránh vấn đề mở rộng khối trong nhiều năm. Các quốc gia khu vực Balkan cũng mòn mỏi chời đợi đơn xin gia nhập EU của họ từ nhiều năm trước.
Lãnh đạo các nước chủ chốt viện dẫn việc chưa xét duyệt đơn xin gia nhập của các nước Balkan làm cái cớ để làm chậm lại tiến trình gia nhập khối của Ukraine.
Những lãnh đạo này lập luận rằng sẽ không công bằng đối với những nước đã chờ đợi từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, một số nước Balkan thậm chí đã ủng hộ lời kêu gọi của Kiev về việc đẩy nhanh tiến trình gia nhập.
Các quốc gia Trung Âu cũng muốn đưa Ukraine vào "gia đình" EU. Mặc dù đang ngăn chặn EU áp đặt gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, song các nước như Slovakia, Bulgaria, Slovenia và Hungary đều kêu gọi EU xúc tiến các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev.
Hoài nghi của Kiev
Ngày 19/5, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã chỉ trích Đức và Pháp đối xử theo kiểu mà ông gọi là "cách đối xử hạng hai."
Đề xuất của Tổng thống Pháp Macron về một "Cộng đồng chính trị châu Âu" mới cũng đang khiến Kiev lo lắng. Ukraine lo ngại đề xuất này có thể khiến Kiev khó có thể trở thành thành viên trong gia đình EU, khiến Ukraine bị mắc kẹt giữa Đông và Tây trong bối cảnh mối đe dọa của Nga ngày càng hiện hữu.
Nghị sỹ Ukraine Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói với "Newsweek" rằng ông vẫn "nghi ngờ" đề xuất của Macron.
Nghị sỹ Merezhko giải thích: “Đề xuất này giống như một nỗ lực nhằm tạo ra một giải pháp thay thế đầy nghi ngờ đối với Ukraine thay vì trở thành thành viên đầy đủ của EU. Đề xuất này giống như một lời từ chối ngoại giao lịch sự đối với nỗ lực của Ukraine gia nhập EU theo một lộ trình nhanh chóng."
Giới nghị sỹ thuộc Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã đưa ra tuyên bố ủng hộ đề xuất của Macron, trong đó khẳng định đề xuất này "có thể đóng vai trò như một khuôn khổ hợp tác độc quyền giữa EU và các quốc gia thành viên tương lai mà hồ sơ gia nhập của họ vẫn cần thời gian."
Bước tiếp theo của Ukraine
Mục tiêu của Kiev là đạt được tư cách ứng viên EU - điều cần thiết để xúc tiến các cuộc đàm phán chính thức với khối nhằm nhất trí về một lộ trình trở thành thành viên đầy đủ. Ủy ban châu Âu hiện đang xem xét tính phù hợp của Ukraine và dự kiến sẽ công bố đánh giá của ủy ban vào tháng 6/2022.
Sau đó, các quốc gia thành viên sẽ phải nhất trí mở rộng quy chế ứng viên cho Ukraine.Bản phân tích của ủy ban nói trên sẽ được công bố gần với ngày dự kiến diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6/2022.
Hội nghị thượng đỉnh đó có thể mang tính lịch sử đối với khối nếu các quốc gia thành viên quyết định tăng cường hoặc giảm thiểu sự ủng hộ đối với việc mở rộng.
Nghị sỹ Ukraine Merezhko tiếp tục lo ngại về khả năng các nước sẽ thu hẹp sự ủng hộ của họ đối với việc mở rộng. Ông quan ngại: "Tuyên bố chung của ủy ban đối ngoại các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6/2022 giống như một động thái chuẩn bị để bác bỏ nỗ lực của Ukraine trở thành ứng viên EU."
Ukraine hy vọng về khả năng đạt được vị thế ứng cử viên gia nhập EU. Các nước thành viên EU sẽ vấp phải những khó khăn về mặt chính trị khi ngăn chặn nỗ lực của Kiev trước những hành động quân sự của Nga và những ủng hộ công khai để Ukraine gia nhập EU.
Các quan chức hàng đầu của EU như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đều đã công khai các chuyến thăm gần đây tới Kiev để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với chính phủ của Zelensky và sự hợp tác của Kiev với liên minh.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn cảm thấy bị tổn thương trước những thất bại ngoại giao tập thể của phương Tây. Tư cách thành viên NATO và EU vẫn được ghi trong Hiến pháp của Ukraine, song tiến trình Kiev gia nhập hai khối này đều diễn ra rất chậm chạp./.