Ukraine kêu gọi Mỹ tăng cường viện trợ, lại đề xuất lập vùng cấm bay

Tổng thống Ukraine nói rằng ông ghi nhận tất cả sự hỗ trợ từ Mỹ, song hy vọng Washington sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự hơn nữa cho Ukraine.
Ukraine kêu gọi Mỹ tăng cường viện trợ, lại đề xuất lập vùng cấm bay ảnh 1Người tị nạn Ukraine sơ tán sang Przemysl, Đông Nam Ba Lan ngày 15/3/2022. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Washington tăng cường viện trợ cho Ukraine, đồng thời nhắc lại đề nghị thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

Trong phát biểu của mình, ông Zelensky ghi nhận tất cả sự hỗ trợ từ Mỹ, song hy vọng Washington sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự hơn nữa cho Ukraine.

Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, dù biết rằng Mỹ có thể không cân nhắc tới đề xuất này.

[Mỹ thông báo viện trợ nhân đạo bổ sung cho người dân Ukraine]

Trước đó, Kiev đã nhiều lần kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, nhưng tổ chức này đã từ chối.

Sau cuộc họp khẩn cấp ngày 4/3 của các ngoại trưởng NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh có trách nhiệm đảm bảo rằng xung đột ở Ukraine không lan ra ngoài biên giới nước này.

Ông nhấn mạnh rằng: "NATO đã thực hiện những biện pháp trừng phạt chưa từng có, chúng tôi hỗ trợ Ukraine, nhưng NATO không phải là một phần của cuộc xung đột. NATO là một liên minh phòng thủ, chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh hoặc xung đột với Nga.”

Trong một phát biểu ngày 15/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine cần tìm kiếm các hình thức hợp tác mới với phương Tây và sự đảm bảo an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.