Trong bối cảnh quân đội của Ukraine đang phải chống lại lực lượng ly khai thì Chính phủ nước này cũng rất nỗ lực trên "mặt trận" tài chính, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong khâu đàm phán lại về nợ với nước ngoài.
Chính quyền Kiev đã nợ các nhà đầu tư từ Mỹ, Anh và cả các nhà đầu tư Nga hàng tỷ USD trong bối cảnh Nga và Ukraine đang ở thế đối đầu và những rối ren về địa-chính trị ở Ukraine đang đẩy nền kinh tế này đến sát bờ vực suy thoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang từng bước thực hiện quy trình giải ngân khoản cứu trợ trị giá 17,5 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận cho vay này, Ukraine phải tiết kiệm chi ngân sách thêm 15 tỷ USD trong vòng 4 năm và tái cơ cấu nợ.
Theo chuyên gia về thu nhập cố định Konstantin Kucherenko thuộc Tập đoàn đầu tư Dragon Capital có trụ sở tại Kiev (Ukraine), nếu việc tái cơ cấu nợ thất bại, Ukraine sẽ không nhận được phần lớn gói cứu trợ của IMF.
Không những thế cho dù có cứu trợ thì khoản tiền đó cũng không đủ để thúc đẩy kinh tế Ukraine trong 4 năm tới.
IMF đã cho Ukraine vay 5 tỷ USD và sẽ đưa ra quyết định về khoản giải ngân tiếp theo vào tháng Sáu tới khi hai bên nhóm họp.
Trong bối cảnh thời hạn cho khoản giải ngân tiếp theo từ IMF còn chưa rõ ràng, Ukraine phải nỗ lực trấn an giới đầu tư đang rất ngập ngừng khi rót tiền vào Ukraine.
Trong số các nhà đầu tư nhiều nhất vào Ukraine có 5 công ty Mỹ do Công ty Franklin Templeton có trụ sở tại California đứng đầu. Họ đang tính toán cắt giảm các hạng mục đầu tư chính tại Ukraine.
Đứng trước tình hình này, ông Kucherenko cho rằng Chính phủ Ukraine rất nỗ lực để có thể kết thúc đàm phán về nợ trong tháng 6/2015. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng./.