Ukraine, Pháp và Đức kêu gọi củng cố lệnh ngừng bắn ở miền Đông

Lãnh đạo các nước Ukraine, Pháp và Đức đã có cuộc điện đàm 3 bên, trong đó thảo luận về những nỗ lực nhằm củng cố một lệnh ngừng bắn mới được thiết lập tại miền Đông Ukraine.
Ukraine, Pháp và Đức kêu gọi củng cố lệnh ngừng bắn ở miền Đông ảnh 1Các quan sát viên thuộc Tổ chức OSCE điều tra ngôi nhà riêng bị phá hủy sau một vụ nã pháo ở Avdiivka, Ukraine. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 3/4, lãnh đạo các nước Ukraine, Pháp và Đức đã có cuộc điện đàm 3 bên, trong đó thảo luận về những nỗ lực nhằm củng cố một lệnh ngừng bắn mới được thiết lập tại miền Đông Ukraine.

 

Trong một tuyên bố, văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống nước này Petro Poroshenko, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận Minsk đạt được hồi năm 2015, vốn được xem là nền tảng cho hòa bình và giải pháp chấp nhận được cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Trước đó, hôm 29/3, các thành viên của Nhóm tiếp xúc ba bên về việc giải quyết tình hình tại Ukraine đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn toàn diện, có hiệu lực từ nửa đêm 1/4 tới, theo đó các bên xung đột sẽ rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột.

Dự kiến, cuộc gặp tiếp theo của Nhóm tiếp xúc ba bên sẽ được tổ chức vào ngày 12/4 tới.

Nhóm tiếp xúc về Ukraine bao gồm đại diện của OSCE, Nga, Ukraine và hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông, bắt đầu các cuộc đàm phán từ giữa năm 2014 nhằm thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Từ đó đến nay, Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã hơn 10 lần tuyên bố đạt thỏa thuận về việc tuân thủ lệnh ngừng bắn tại vùng miền Đông Donbass, song lệnh ngừng bắn thường xuyên bị phá vỡ và các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm các lệnh ngừng bắn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.