Ukraine quyết định khai tử tập đoàn chế tạo máy bay “Antonov”

Hội đồng Bộ trưởng Ukraine đã thông qua quyết định đóng cửa tập đoàn chế tạo máy bay “Antonov,” một trong những cái tên nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chế tạo máy bay.
Ukraine quyết định khai tử tập đoàn chế tạo máy bay “Antonov” ảnh 1Máy bay của tập đoàn chế tạo máy bay Antonov. (Nguồn: The Economic Times)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 25/7, Hội đồng Bộ trưởng Ukraine đã thông qua quyết định đóng cửa tập đoàn chế tạo máy bay Antonov, một trong những cái tên nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chế tạo máy bay, được thành lập từ năm 1946 và đóng góp cho ngành hàng không những mẫu máy bay vận tải với thương hiệu nổi tiếng An.

Theo quyết định được đăng tải trên trang web của chính phủ, Ukraine đã thành lập một hội đồng phụ trách vấn đề khai tử tập đoàn Antonov, đứng đầu hội đồng là Thứ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Yuri Brovchenko.

Trước đó, từ hồi tháng 6/2015, một số doanh nghiệp nhà nước đã ra khỏi thành phần tập đoàn và được chuyển sang tập đoàn nhà nước Ukroboronprom.

[Nga yêu cầu tập đoàn nhà nước Ukraine bồi thường 2,7 triệu USD]

Theo đánh giá của phía Ukraine, sau khi Liên Xô tan vỡ, tập đoàn đã hoạt động không thành công trong 25 năm qua. Đa số các sản phẩm của tập đoàn chỉ phục vụ cho hợp tác với Nga và xuất khẩu sang thị trường Nga.

Tháng 9/2016, Chủ tịch Antonov Aleksander Kotsiuba cho biết tập đoàn đã không thực hiện được việc sản xuất hàng loạt máy bay vì vấn đề kinh tế cũng như không nhận được hỗ trợ từ nhà nước.

Do chủ yếu chỉ thực hiện đơn đặt hàng của các công ty Nga, bán hàng thông qua công ty “Iliushin Finance” cũng của Nga nên khi quan hệ 2 nước xấu đi, Anotonov đã không còn thị trường. Cho đến ngày bị đóng cửa, Antonov gánh khoản nợ 706 triệu hryvnia (khoảng 27 triệu USD) và được Quốc hội Ukraine cho phép tái cơ cấu.

Tập đoàn Antonov từng chế tạo những máy bay vận tải nổi tiếng như An-22 “Antey”, An-12, An-124, cũng như loại máy bay vận tải siêu nặng An-125 “Mria”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.