Ukraine sẽ đàm phán với các trái chủ về tái cơ cấu nợ quốc tế

Ukraine cần đạt được một thỏa thuận về tái cơ cấu nợ trước khi thời hạn 2 năm mà các trái chủ nắm 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của nước này cho phép.

Tiền giấy 500 hryvnia của Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Tiền giấy 500 hryvnia của Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Hãng Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay những người nắm giữ trái phiếu của Ukraine ở nước ngoài đang thảo luận về việc lập ra một ban chủ nợ để tham gia các cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ của nước này.

Ukraine cần đạt được một thỏa thuận về tái cơ cấu nợ trước khi thời hạn hai năm mà các trái chủ nắm giữ 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của nước này cho phép hoãn thanh toán nợ, sẽ kết thúc vào tháng Tám tới.

Một nhóm chủ nợ chính thức có thể khởi động đàm phán với Chính phủ Ukraine trước kỳ họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến bắt đầu vào ngày 17/4 ở Washington.

Kể từ cuối năm 2023, Ukraine đã bắt đầu thăm dò các nhà đầu tư lớn về các kế hoạch tái cơ cấu nợ quốc tế của nước này và khả năng huy động nguồn vốn mới. Nhưng cho đến nay, các cuộc thảo luận về vấn đề này chỉ diễn ra một cách không chính thức.

Phương hướng tái cơ cấu hiện vẫn chưa rõ ràng vì nó liên quan đến một nền kinh tế mà triển vọng, khả năng tài chính và năng lực trả nợ vẫn còn rất nhiều bất ổn.

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, Ukraine có thể huy động vốn mới bằng cách bán các trái phiếu được thế chấp và đảm bảo.

Điều này có nghĩa là các đối tác quốc tế của Ukraine, tức các ngân hàng đa phương hoặc các quốc gia riêng lẻ, có thể sẽ cung cấp tài sản thế chấp cho các trái phiếu mới, tương tự như trái phiếu Brady mà các nước Mỹ Latinh đã từng phát hành hồi cuối những năm 1980 được đảm bảo bằng trái phiếu chính phủ Mỹ.

Tuần trước, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings dự đoán Ukraine sẽ hoàn tất tái cơ cấu nợ với các chủ nợ tư nhân vào giữa năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.