Ukraine tiếp nhận khoản hỗ trợ tài chính mới của EU

Ukraine đã tiếp nhận khoản hỗ trợ tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU), trị giá 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD), đồng thời hy vọng sẽ nhận được thêm 10 tỷ euro nữa vào cuối năm nay.

Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/4, giới chức Ukraine cho biết đã tiếp nhận khoản hỗ trợ tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU), trị giá 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD), đồng thời hy vọng sẽ nhận được thêm 10 tỷ euro nữa vào cuối năm nay.

Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko, EU - vốn đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 31 tỷ euro, hiện là nguồn cung cấp tài chính lớn nhất cho quốc gia Đông Âu này kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022.

Ngoài ra, Mỹ cũng là nước hỗ trợ tài chính quan trọng của Ukraine.

Ông Marchenko nhấn mạnh: "Hỗ trợ quốc tế là chìa khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng nền tảng cho tăng trưởng kinh tế."

Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết chính phủ nước này hy vọng gói tín dụng trị giá 50 tỷ euro của EU dành cho Ukraine sẽ được thông qua lần cuối cùng và Kiev mong đợi sẽ được nhận thêm 3 đợt hỗ trợ trong năm nay.

Gói viện trợ này sẽ được trích từ ngân sách của EU, được chia thành nhiều gói nhỏ dưới dạng các khoản vay hay gói hỗ trợ trong vòng 4 năm.

Theo bà Svyrydenko, sau khi được thông qua lần cuối cùng, Kiev có thể nhận được 1,89 tỷ euro vào tháng Sáu và 2 đợt nữa, khoảng 4 tỷ euro/đợt vào tháng Chín và tháng 11 năm nay.

Để được giải ngân, Ukraine sẽ phải thực hiện một số cải cách và đáp ứng các tiêu chí, trong đó có việc cải thiện tính minh bạch, chống tham nhũng, cải thiện môi trường kinh doanh và đưa luật pháp của nước này tiến gần hơn tới tiêu chuẩn của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.