Ukraine tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước đối tác chiến lược

Ukraine sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, NATO, EU, OSCE và các nước đối tác chiến lược giúp đỡ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này.
Ukraine tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước đối tác chiến lược ảnh 1Xe tăng của quân ly khai Ukraine. (Nguồn: AFP)

Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC) tối 28/8 đã thông qua một loạt biện pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này.

Trước đó, NSDC nói rằng binh sỹ Nga đã chiếm một số thành phố ở phía Nam tỉnh Donetsk của Ukraine, khiến Tổng thống nước này Petro Poroshenko phải hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và triệu tập NSDC họp khẩn cấp.

Phó Thư ký NSDC Mikhain Koval cho biết Kiev sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và các nước đối tác chiến lược giúp đỡ.

NSDC sẽ soạn thảo các văn kiện liên quan để Tổng thống ký, đồng thời quyết định đề nghị được tham vấn với các nước thành viên tham gia Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về loại bỏ hàng nghìn đầu đạn hạt nhân ở Ukraine để đổi lấy độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Ông Koval nhấn mạnh Ukraine trông cậy vào sự trợ giúp của Mỹ, cụ thể là việc trao cho Ukraine quy chế đồng minh chính thức của Mỹ ngoài NATO. NSDC đã khôi phục chế độ quân sự bắt buộc và kêu gọi tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, các đơn vị quân sự và các cơ quan thực thi pháp luật.

Theo một nguồn tin ngoại giao NATO, các đại sứ tại tổ chức này họp khẩn cấp vào trưa 29/8 để xem xét cáo buộc của Kiev nói rằng Nga đưa quân vào miền Đông Nam Ukraine.

Cuộc họp diễn ra tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels của Bỉ với sự tham dự của một phái viên Ukraine tại NATO. Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng thường xuyên nhóm họp với liên minh quân sự này trong một cơ quan có tên Ủy ban NATO-Ukraine.

Cũng trong ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo EU sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga tại cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này, dự kiến vào ngày 30/8 tới.

Phát biểu với báo giới ở thủ đô Berlin của Đức, bà Merkel nhấn mạnh EU sẽ theo đuổi các nỗ lực ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, song hiểu rõ tình hình ở nước này đã xấu đi trong vài ngày qua, hàm ý những cáo buộc cho rằng binh lính Nga xâm nhập lãnh thổ Ukraine.

Trong cuộc điện đàm một ngày trước đó với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bà Merkel đề nghị người đứng đầu nước Nga giải thích những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về sự hiện diện của binh lính Nga trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Moskva trong việc tháo ngòi khủng hoảng ở Ukraine.

Cùng ngày, Mỹ cũng cáo buộc Nga chủ động tham chiến ở miền Đông Ukraine để hỗ trợ lực lượng đòi liên bang hóa, đồng thời cân nhắc biện pháp trừng phạt Moskva vì vấn đề này.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ có một loạt công cụ để sử dụng và tăng cường trừng phạt Nga là công cụ hiệu quả nhất.

Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng cho biết tại cuộc họp của NATO vào tuần tới, nước này sẽ cùng các đồng minh khác trong NATO tìm cách trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ông Obama bác bỏ khả năng có hành động quân sự nhằm vào Nga, nhưng cam kết bảo vệ các nước láng giềng của Ukraine là thành viên NATO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.