Ukraine và ảo tưởng giải quyết xung đột tại khu vực Donbass

Tổng thống Ukraine đã đồng ý với "Công thức Steinmeier," cho việc giải quyết khủng hoảng tại Donbass. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ là một tiến bộ ảo tưởng trong cuộc xung đột tại khu vực này.
Ukraine và ảo tưởng giải quyết xung đột tại khu vực Donbass ảnh 1Một tù nhân vui mừng gặp người thân tại sân bay quốc tế Boryspil ở Kiev, Ukraine ngày 7/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đồng ý với "Công thức Steinmeier." Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ là một tiến bộ ảo tưởng trong cuộc xung đột tại khu vực Donbass.

Kể từ sau cuộc bầu cử đưa ông Zelensky lên làm Tổng thống Ukraine, cuộc xung đột Donbas có những diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Hiện nay, ông Zelensky đang hướng đến một cuộc họp ở cấp cao nhất trong "Định dạng Normandy" với Đức, Pháp và Nga.

Để đạt được điều này, ông Zelensky đã phải chấp nhận cái gọi là "Công thức Steinmeier" và do đó đã gây ra những cuộc biểu tình bạo lực trong dân chúng Ukraine.

Công thức này được đặt theo tên của Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện một phần của các thỏa thuận Minsk được đưa ra từ tháng 2/2015, thỏa thuận cơ sở cho một giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột Donbas.

Một đề xuất được đệ trình từ năm 2016, quy định quy chế đặc biệt cho các vùng lãnh thổ như Donbass, sẽ có hiệu lực vào ngày bầu cử địa phương theo quy định của luật pháp Ukraine.

Các bên xung đột có những kỳ vọng khác nhau.

Theo tính toán của ông Zelensky, dường như một hội nghị thượng đỉnh theo "Định dạng Normandy" được coi là một thành công khác trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình của ông.

Trên thực tế, trong những tuần gần đây, các bên xung đột đã cùng nhau thực hiện các hành động làm giảm căng thẳng, chẳng hạn như nhất trí về việc xây dựng một cây cầu ở khu vực Stanyzja Luhanska. Ông Zelensky cũng đã thành công với việc trao đổi tù nhân với Nga để đưa về 25 lính thủy đánh bộ Ukraine đã bị Nga bắt hồi tháng 11/2018.

[Nga: Các bên tham gia xung đột Donbass nên về nhà hòa giải]

Phía Nga hy vọng rằng sẽ có thể có những ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Ukraine thông qua các vùng lãnh thổ được cấp quy chế đặc biệt.

Các cuộc bầu cử địa phương sẽ giúp cho những người lãnh đạo thân Nga tại các vùng này trở thành lãnh đạo hợp pháp.

Kiev sau đó sẽ phải chấp nhận sự tham gia của lãnh đạo các vùng này trong việc ra quyết định đối với các vấn đề quốc gia. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ gây tổn hại tới lợi ích của Ukraine trong việc giành lại toàn quyền kiểm soát các vùng bị chiếm đóng cũng như nỗ lực làm giảm ảnh hưởng của Moskva đối với Ukraine.

Các câu hỏi quan trọng nhất vẫn còn bỏ ngỏ

Trong bối cảnh hiện nay, việc chấp nhận "Công thức Steinmeier" đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Công thức này sẽ mở đường cho cuộc bầu cử địa phương.

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử này có thể được tổ chức trong trường hợp và điều kiện thế nào? Ai sẽ là người quyết định việc này?

Theo các thỏa thuận Minsk, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo luật pháp Ukraine và các tiêu chí của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Zelensky đã xác nhận điều này trong cuộc họp báo ngày 1/10 vừa qua.

Tuy nhiên, làm thế nào luật pháp Ukraine và các tiêu chí của OSCE có thể được đảm bảo? Cả Ukraine lẫn OSCE đều không thể thực hiện đầy đủ quyền lực quốc gia tại các lãnh thổ bị chiếm đóng.

Bối cảnh an ninh của các cuộc bầu cử cũng chưa rõ ràng. Cuộc bầu cử chỉ có thể diễn ra sau khi tất cả các đơn vị quân đội nước ngoài và những lực lượng bất hợp pháp rời khỏi những khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng?

Tuy nhiên, nếu vậy, ai sẽ xác nhận điều này đã xảy ra? Rốt cuộc, câu hỏi về việc đâu là biên giới giữa Ukraine và Nga vẫn chưa được giải đáp.

Theo ông Zelensky, phía Ukraine phải giành lại được quyền kiểm soát biên giới hoàn toàn trước khi các cuộc bầu cử được tổ chức. Điều này không chỉ mâu thuẫn với lợi ích của phía Nga, mà còn cả với các thỏa thuận Minsk.

Một câu hỏi khác liên quan đến quy chế đặc biệt cho các vùng lãnh thổ này.

Quốc hội Ukraine đã thông qua luật về quy chế đặc biệt cho các khu vực nhất định tại miền Đông Ukraine hồi tháng 10/2014.

Sau các lần gia hạn, luật này sẽ hết hạn vào cuối năm 2019. Ông Zelensky đã công bố một luật mới và luật này cũng sẽ được thông qua trong Quốc hội hiện do đảng của ông kiểm soát.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng về việc quy chế đặc biệt sẽ là gì đối với các vùng lãnh thổ hiện đang bị chiếm đóng.

Thỏa thuận về cái gọi là "Công thức Steinmeier" chỉ như một bước tiến bộ ảo tưởng. Thỏa thuận này không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề quan trọng nhất. Ngoài ra, thứ tự các bước thực hiện cũng còn gây tranh cãi.

Gần đây nhất vào năm 2017, phía Ukraine kiên quyết yêu cầu về việc trước tiên phải đảm bảo an ninh ở các vùng bị chiếm đóng, sau đó mới tính đến các biện pháp chính trị như gia hạn luật tình trạng đặc biệt và tổ chức bầu cử ở địa phương. Tuy nhiên, các động thái từ phía Nga lại khiến người ta nghi ngờ về việc tuân thủ thứ tự này.

Hội nghị thượng đỉnh làm tăng hy vọng ảo tưởng

Các cuộc biểu tình hiện nay chống lại "Công thức Steinmeier" ở Kiev và các thành phố khác của Ukraine là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn chính trị và xã hội ngày càng gia tăng tại nước này.

Nhiều người lo ngại rằng ông Zelensky có thể quá nhượng bộ Nga và gây nguy hiểm cho chủ quyền vốn đã bị xâm phạm của Ukraine. Nhiều người khác lại quá mệt mỏi với chiến tranh. Họ đồng tình với ông Zelensky, đồng thời hy vọng rằng ông sẽ có thể sớm chấm dứt bạo lực ở Donbass.

Một cuộc họp thượng đỉnh theo "Định dạng Normandy" sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, nhưng một kết quả mang tính đột phá khó có thể sớm đạt được.

Vẫn còn quá nhiều câu hỏi chỉ có thể được giải quyết bằng cách tăng cường đàm phán ở nhiều cấp độ và cần sự  nhượng bộ của các bên.

Điều quan trọng đối với Đức và Pháp là phải thống nhất được về những kỳ vọng của họ đối với phía Ukraine và Nga cũng như đặt ra các "lằn ranh đỏ" trước cuộc gặp thượng đỉnh.

Chỉ bằng cách này, họ mới có thể đánh giá đầy đủ đề xuất của các bên trong cuộc xung đột và thực hiện một cách hiệu quả vai trò trung gian của họ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.