UNDP cam kết hỗ trợ người dân Thanh Hóa nâng cao chống chọi với bão lũ

Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tỉnh Thanh Hóa, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển, giúp người dân an toàn trước thiên tai.
Đoàn công tác của UNDP do bà Kanni Wignaraja làm trưởng đoàn và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trồng rừng ngập mặn tại thôn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Đoàn công tác của UNDP do bà Kanni Wignaraja làm trưởng đoàn và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trồng rừng ngập mặn tại thôn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-31/7, bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đi khảo sát mô hình nhà an toàn chống, chịu bão, lụt; trồng rừng ngập mặn ở tỉnh Thanh Hóa, với mong muốn tạo nên “dải đê xanh” chắn sóng, an toàn cho người dân vùng biển.

Tại buổi làm việc ngày 30/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa bày tỏ cảm ơn trước sự hỗ trợ của UNDP; đặc biệt là công tác nâng cao khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế của người dân - thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhà an toàn chống, chịu bão, lụt; trồng rừng ngập mặn và tăng cường kiến thức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Theo ông Lê Đức Giang, tỉnh Thanh Hóa được xác định là một trong những vùng trọng điểm về thiên tai của cả nước (Việt Nam hiện có 22 loại hình thiên tai thì tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận cũng như hứng chịu tới 21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần). Do đó, những hỗ trợ của UNDP cho người dân của Thanh Hóa về nhà ở an toàn, hay tái tạo rừng ngập mặn,… là điều vô cùng ý nghĩa.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh cùng UNDP đã phục hồi và trồng mới hơn 337 hécta rừng ngập mặn và xây dựng 1.403 ngôi nhà an toàn cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, nhất là các hộ gia đình tàn tật, già cả, neo đơn.

Ngoài ra, dự án với tên gọi “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án GCF) cũng đã thực hiện một loạt các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đến nay, trên 8.000 người (với hơn 50% phụ nữ tham gia) đã được hưởng lợi từ các khóa tập huấn này của tỉnh.

Dự kiến, đến cuối năm 2022, tổng số 82 khóa tập huấn sẽ được tổ chức ở Thanh Hóa với 10.650 người tham gia. Những khóa tập huấn này sẽ giúp cộng đồng đánh giá được rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời giúp xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai và lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro cho từng địa phương cụ thể.

[Thiên tai dồn dập: ‘Cảnh báo trước 30 phút có thể cứu được mạng người’]

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được thông qua việc xây dựng năng lực chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển, bà Wignaraja cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa nhân rộng các mô hình thành công để thêm nhiều người dân được hưởng lợi và sống an toàn.

UNDP cam kết hỗ trợ người dân Thanh Hóa nâng cao chống chọi với bão lũ ảnh 1Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chào đón bà Wignaraja (bên trái) và bà Caitlin Wiesen (chính giữa). (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Bà Wignaraja cũng lưu ý theo một nghiên cứu gần đây của UNDP và Bộ Xây dựng, hơn 110.000 hộ gia đình có nhu cầu xây dựng nhà an toàn tại 28 tỉnh ven biển trên cả nước, trong đó có 10.000 hộ dân thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, 1.403 ngôi nhà an toàn chống, chịu bão, lũ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở các vùng ven biển của tình Thanh Hóa đã được xây dựng.

Đáng mừng là những ngôi nhà chống chịu bão, lụt được dự án hỗ trợ vẫn kiên cố sau khi trải qua hàng loạt trận bão, lũ cùng cơn bão cấp kỷ lục vào năm 2020.

“Với hiệu quả ấy, cùng những nhu cầu to lớn về nhà an toàn trước biến đổi khí hậu và thiên tai, thêm 100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho người dân dễ bị tổn thương bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn Thanh Hóa sẽ được tiếp tục xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới,” bà Wignaraja nhấn mạnh.

Nhân ngày Quốc tế Bảo tồn Hệ sinh thái rừng ngập mặn, bà Wignaraja và đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tham gia trồng rừng ngập mặn tại thôn Đông Hải, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các loại hình thiên tai, đặc biệt là các cơn bão lớn.

“Rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất. Rừng tạo ra một lợi ích chung, vừa làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, vừa giúp người dân cải thiện sinh kế và thu nhập cũng như tăng tỉ lệ che phủ rừng ở Việt Nam. Rừng ngập mặn giúp Việt Nam đạt được tham vọng về khí hậu và phát triển linh hoạt, bền vững,” bà Wiesen nói.

Cũng trong chương trình công tác, đoàn đã đi kiểm tra rừng ngập mặn, thăm mô hình nuôi ong mật của các hộ gia đình tại xã Đa Lộc, được dự án GCF hỗ trợ năm 2019; thăm mô hình nhà an toàn chống, chịu bão, lụt của các hộ gia đình tàn tật, già cả, neo đơn, được dự án hỗ trợ năm 2020, tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc./.

Một số hình ảnh trong chuyến thăm của bà Wignaraja tại vùng biển tỉnh Thanh Hóa:

UNDP cam kết hỗ trợ người dân Thanh Hóa nâng cao chống chọi với bão lũ ảnh 2Đoàn công tác của UNDP do bà Kanni Wignaraja làm trưởng đoàn, tham gia trồng rừng ngập mặn tại thôn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
UNDP cam kết hỗ trợ người dân Thanh Hóa nâng cao chống chọi với bão lũ ảnh 3Bà Wignaraja (bên trái) và bà Caitlin Wiesen (bên phải) thăm hỏi gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn tại xã Đa Lộc. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
UNDP cam kết hỗ trợ người dân Thanh Hóa nâng cao chống chọi với bão lũ ảnh 4Mô hình nuôi ong từ nguồn lợi rừng ngập mặn của người dân ven biển ở huyện Hậu Lộc. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
UNDP cam kết hỗ trợ người dân Thanh Hóa nâng cao chống chọi với bão lũ ảnh 5Người dân hồ hởi khi tận tay tham gia trồng cây, tái tạo rừng cây ngập mặn ở huyện Hậu Lộc. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục