UNDP hỗ trợ Việt Nam có vị thế là nước thu nhập trung bình

UNDP hỗ trợ Việt Nam với vị thế là nước thu nhập trung bình

Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau trong một thời gian rất ngắn và giờ đây cần hướng tới tăng trưởng chất lượng và bền vững.
Với sự giúp đỡ của UNDP, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống giáo dục, chăm sóc trẻ em toàn diện. (Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam)

Trong những năm qua, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát huy nhiều thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội đồng thời giải quyết thách thức mới nảy sinh mà Việt Nam đang phải đối mặt với vị thế là nước có mức thu nhập trung bình.

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thúc đẩy các mục tiêu phát triển quốc gia

Mới đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình viện trợ chính thức tại Việt Nam, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho biết mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong 20 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và cần tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác phát triển quốc tế.

Quá trình tăng trưởng nhanh là nguyên nhân làm cho chi phí xã hội cao, tính tổn thương, bất bình đẳng tăng lên và các rào cản xã hội khiến cho một số người dân, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, các gia đình ở vùng sâu vùng xa, người di cư mới... cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, kế hoạch chung của một Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, đánh dấu thế hệ thứ hai của "Sáng kiến thống nhất hành động" được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam với vị thế là nước có mức thu nhập trung bình.

Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, giờ đây Việt Nam cần được tiếp cận những tập quán, kinh nghiệm thực tiễn hay và ý kiến tư vấn chính sách có chất lượng cao về việc làm thế nào đối phó với một loạt thách thức cấp bách trước mắt về tăng trưởng công bằng và hòa đồng nhằm giải quyết bất bình đẳng và chênh lệch đang gia tăng trong xã hội.

Công tác quản trị quốc gia có sự tham gia của người dân nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Các quyền con người và khả năng tiếp cận công lý cũng như về phát triển bền vững nhằm trả lời các câu hỏi mới đặt ra về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

Nằm trong khuôn khổ của kế hoạch chung và trên cơ sở phối hợp với các đối tác khác trong Liên hợp quốc, UNDP tại Việt Nam hướng tới mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả hơn cho quá trình phát triển công bằng gắn với các quyền con người ở Việt Nam đồng thời UNDP đáp ứng nhu cầu của Chính phủ về hỗ trợ chính sách chất lượng cao nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các ưu tiên của quốc gia được đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015.

Quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNDP hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển riêng của quốc gia. Các lĩnh vực hỗ trợ chính của UNDP bao gồm: Tăng trưởng công bằng và hòa đồng; Quản trị quốc gia và sự tham gia của người dân; Phát triển bền vững. UNDP tại Việt Nam cũng đang phối hợp với các đối tác khác trong Liên hợp quốc xây dựng Chương trình Phát triển sau năm 2015 trên cơ sở tham vấn rộng rãi các thành phần dân cư trong xã hội Việt Nam.

Những kết quả thiết thực

Với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác, Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở cấp quốc gia trước thời hạn 2015, trong đó đặc biệt ấn tượng là kết quả về xóa đói giảm nghèo.

Các cơ quan, tổ chức quốc gia của Việt Nam giờ đây có nhiều kinh nghiệm hơn sau hai thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới và Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các tổ chức, định chế khu vực và toàn cầu.

Cũng theo bà Pratibha Mehta, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau trong một thời gian rất ngắn. Từ công cuộc tái thiết sau chiến tranh đến quá trình đổi mới cho đến nay khi đất nước đã là một đối tác có uy tín cao và đã hội nhập toàn cầu. Những tiến bộ của Việt Nam đã được ghi nhận trên toàn cầu và đã khuyến khích nhiều nước khác.

Trong năm 2012, Việt Nam được xếp hạng thứ sáu trên toàn cầu về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xét cả trên phương diện tuyệt đối và tương đối.

Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng có chất lượng và bền vững, đồng thời đảm bảo cân đối hơn giữa các kết quả phát triển kinh tế, phát triển con người.

Hiện nay, UNDP đang giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam giải quyết những thách thức này và là đối tác thực hiện tăng trưởng hòa đồng dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau; xây dựng và thực hiện các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo và trợ giúp xã hội dành cho những người nghèo nhất trong xã hội, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Với mục tiêu hỗ trợ cho hệ thống dịch vụ công, trong lĩnh vực quản trị nhà nước, UNDP giúp Việt Nam xây dựng thành công các biện pháp hỗ trợ các cơ quan xây dựng luật và thực thi luật đảm bảo cho việc phát triển xã hội dân sự, đấu tranh chống tham nhũng, thực hiện các quyền con người đồng thời sự hỗ trợ đó cũng nhằm đảm bảo cho hệ thống quản trị quốc gia theo kịp tốc độ phát triển kinh tế cao của đất nước.

Tác động từ sáng kiến của UNDP về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đã cung cấp cho chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh thực chứng về những tác dụng và những điều cần được cải thiện trong 6 mảng chính của quản trị nhà nước. Đó là sự tham gia ở cấp địa phương, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình theo ngành dọc, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung cấp dịch vụ công.

Trong các lĩnh vực hỗ trợ chính bao gồm biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng những giải pháp cụ thể phù hợp.

Trao quyền cho phụ nữ cũng được coi là một trong những lĩnh vực hỗ trợ chính của UNDP, phấn đấu lồng ghép bình đẳng giới vào một loạt lĩnh vực giúp phụ nữ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong khu vực công, trong lĩnh vực quyền sử dụng đất, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cùng với việc lồng ghép giới trong công tác quản trị môi trường.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục