UNDP khuyến nghị 6 hành động giúp Việt Nam đưa phát thải ròng về 0

Theo đại diện UNDP tại Việt Nam, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, ước tính Việt Nam sẽ cần tới khoảng 330-370 tỷ USD.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cho rằng giảm mức phát thải ròng về 0 trong vòng chưa đầy 30 năm tới như cam kết tại COP26 - có thể là một nhiệm vụ khó khăn, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh thời gian tới, Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng để tạo điều kiện cho các “dòng tài chính xanh” từ tất cả các nguồn đầu tư, phát triển.

Nói về nhận định trên, tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V (năm 2022) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn ra ngày 4/8, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 330-370 tỷ USD.

"Con số này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư (từ trong nước và quốc tế); trong đó đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đặc biệt là tài trợ từ khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt được mục tiêu này," bà Caitlin Wiesen chia sẻ và cho rằng chính phủ cần xây dựng các chương trình tài chính và cơ sở mới để thu hút và tạo ra nguồn tài chính xanh.

Vì thế, để đạt được mục tiêu khí hậu đầy tham vọng trên, đại diện UNDP đã khuyến nghị 6 hành động ưu tiên, với hy vọng giúp Việt Nam thúc đẩy sứ mệnh mới cho một cuộc “đổi mới xanh.”

Đầu tiên, theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cần tăng cường luật pháp về khí hậu để hướng dẫn và thực thi các hành động khí hậu trong nước; xây dựng một luật khí hậu toàn diện để tạo điều kiện cho những sáng kiến đột phá, tránh chồng chéo chính sách và cơ chế không cần thiết.

[Việt Nam tiến bước vào ‘sân chơi lớn’ quyết đưa phát thải ròng về O]

Thứ hai, để thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng, bởi Việt Nam có tiềm năng to lớn để tăng trưởng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, đặc biệt là gió ngoài khơi.

Thứ ba, Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả các nguồn đầu tư và phát triển; xây dựng các chương trình tài chính và tạo ra nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh.

Thứ tư, Việt Nam cần sớm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn để hướng dẫn cho các hành động trên toàn quốc, đặc biệt là về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tăng cường các chính sách và biện pháp về tiêu thụ và tái chế nhựa.

Thứ năm, phát triển dựa vào thiên nhiên là con đường bền vững của Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhắc lại rằng "mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy con người làm trọng tâm, vì họ là động lực của phát triển bền vững, để không để ai bị bỏ lại phía sau." Do vậy, các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại những lợi ích đầy hứa hẹn cho Việt Nam, trong đó có lợi ích về tăng cường an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải thiện sinh kế dựa vào thiên nhiên.

Cuối cùng, theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cần phấn đấu để chuyển đổi bao trùm, đặt “con người” và công bằng xã hội vào trung tâm của mọi chính sách.

“Việc thực hiện chuyển đổi bao trùm công bằng sẽ tối đa hóa các tác động tích cực về kinh tế-xã hội đồng thời đảm bảo lợi ích công bằng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ cộng đồng địa phương và người lao động khỏi các tác động bất lợi khi chúng ta hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0,” bà Caitlin Wiesen nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục