UNDP ước tính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 100 tỷ USD sau động đất kinh hoàng

Quan chức UNDP cho biết theo các tính toán đến nay dựa trên số liệu của chính phủ và thống kê của các đối tác quốc tế, thiệt hại do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt 100 tỷ USD.
UNDP ước tính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 100 tỷ USD sau động đất kinh hoàng ảnh 1Dọn dẹp đống đổ nát sau trận động đất tại Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 16/2/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 7/3, bà Louisa Vinton, quan chức thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng thiệt hại do thảm họa động đất trong tháng Hai vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt 100 tỷ USD.

Phát biểu họp báo qua video từ thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, bà Vinton nhấn mạnh theo các tính toán cụ thể cho đến nay dựa trên số liệu của chính phủ và thống kê của các đối tác quốc tế, thiệt hại do động đất tại quốc gia này sẽ vượt 100 tỷ USD.

Theo bà, con số tạm tính này là cơ sở để các nhà tài trợ vận động ủng hộ cho các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại cuộc họp sẽ diễn ra ở Brussels của Bỉ vào ngày 16/3 tới.

Nữ quan chức UNDP cho biết chi phí tái thiết lại các khu vực đổ nát sau động đất sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền thiệt hại nói trên.

[Saudi Arabia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 5 tỷ USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối]

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nước này sẽ hỗ trợ hơn 10 triệu USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng lại nơi ở cho những người sống sót sau thảm họa động đất.

Hàn Quốc đã cử 142 nhân viên cứu hộ, quân nhân, nhân viên tổ chức phi chính phủ và quan chức bộ ngoại giao tới Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, giúp giải cứu tám người khỏi đống đổ nát và tham gia vào hoạt động tái thiết tại đây.

Trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra ngày 6/2 vừa qua và trên 10.000 dư chấn lớn sau đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 46.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 6.000 người tại nước láng giềng Syria, đồng thời phá hủy hoàn toàn hàng trăm nghìn ngôi nhà và căn hộ.

Đây là đợt thiên tai trầm trọng nhất tại khu vực này trong vòng một thập kỷ qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.